Thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm là một quy trình quan trọng để đảm bảo quyền lợi cho đương sự sau khi xét xử sơ thẩm. Nếu đương sự không đồng ý với phán quyết của Tòa án sơ thẩm có thể kháng cáo yêu cầu tòa cấp trên xét xử bản án một lần nữa theo trình tự xét xử phúc thẩm. Để bạn đọc có thể hiểu được một quy trình giải quyết sau khi nộp đơn kháng cáo sẽ như thế nào thì bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn đọc những thông tin cơ bản và cần thiết về vấn đề trên.
Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm
>>>Xem thêm: Cách viết đơn kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án tranh chấp đất đai
Điều kiện thụ lý kháng cáo
Chủ thể kháng cáo
So với quy định về người có quyền kháng cáo trong BLTTDS 2004, quy định trong BLTTDS 2015 đã có sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định cụ thể hơn về chủ thể kháng cáo. Cụ thể “Đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người liên quan), người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện có quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm”.
Như vậy, đương sự là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo đối với bản án dân sự sơ thẩm hoặc đương sự không thể tự mình làm đơn kháng cáo có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo.
Việc quy định cụ thể như vậy sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện dễ dàng, đầy đủ hơn quyền của mình trong tố tụng dân sự, đồng thời là hành lang pháp lý hữu hiệu phục vụ công tác kiểm soát việc giải quyết các vụ án dân sự.
Đơn kháng cáo
Đơn kháng cáo là một cách thức để các đương sự thực hiện quyền tố tụng quan trọng của mình – quyền kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm. Chính vì vậy một đơn kháng cáo hợp lệ là đơn gồm có các nội dung chính, theo Điều 272 BLTTDS 2015 gồm:
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo
- Tên, địa chỉ, số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo
- Kháng cáo phần nào của bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật
- Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo
Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của BLTTDS 2015. Ngoài ra, kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Thời hạn kháng cáo
Căn cứ tại Điều 273 BLTTDS 2015 thì đơn kháng cáo phải được viết trong vòng 15 ngày, kể từ ngày tuyên án, đối với bản án. Nếu đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án vì lý do chính đáng thì tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Lưu ý, nếu đương sự đã tham gia phiên tòa nhưng vắng mặt khi Tòa án tuyên án mà không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày tuyên án.
Kháng cáo quá hạn và điều kiện chấp thuận kháng cáo quá hạn
Kháng cáo quá hạn
Việc nộp đơn kháng cáo sau thời hạn luật định là kháng cáo quá hạn. Trường hợp này dù người nộp đơn có quyền kháng cáo và nội dung đơn hợp lệ thì yêu cầu kháng cáo cũng không đương nhiên được chấp nhận.
Điều kiện chấp thuận kháng cáo quá hạn
Theo quy định tại điều 275 BLTTDS 2015:
- Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn.
- Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn
Như vậy, bạn có thể kháng cáo quá hạn, tuy nhiên đơn kháng cáo quá hạn có được chấp nhận hay không là do Hội đồng Thẩm phán cấp phúc thẩm xem xét. Vì vậy, bạn nên lưu ý để nộp đơn kháng cáo đúng hạn vì khi không có đơn kháng cáo thì Tòa án phúc thẩm không có căn cứ để xem xét lại phần quyền lợi của bạn.
>>>Xem thêm: Thủ tục kháng cáo bản án kinh doanh thương mại
Thời hạn chuẩn bị xét xử
Ngay sau khi nhận được hồ sơ vụ án, kháng cáo và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm phải vào sổ thụ lý. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho các đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện về việc Tòa án đã thụ lý vụ án. Sau đó, Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng xét xử phúc thẩm và phân công một Thẩm phán làm chủ tọa phiên tòa.
Theo quy định tại Điều 286 BLTTDS 2015, trong thời hạn 2 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án và tùy từng trường hợp, Tòa án cấp phúc thẩm ra một trong các quyết định, tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 287 BLTTDS 2015, đương sự có quyền bổ sung tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì lý do chính đáng và Tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm. Cũng theo quy định của BLTTDS, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, Tòa án có thể áp dụng, thay đổi, bổ sung, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định tại Điều 96 BLTTDS 2015.
Lưu ý, đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án cấp phúc thẩm có thể quyết định kéo dài thời hạn chuẩn bị xét xử, nhưng không được quá 1 tháng.
Thời hạn chuẩn bị xét xử
>>>Xem thêm: Thời hạn kháng cáo quyết định giải quyết việc dân sự
Các căn cứ giải quyết kháng cáo (Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015)
Bác toàn bộ kháng cáo, y án sơ thẩm
Hội đồng phúc thẩm bác kháng cáo trong trường hợp kháng cáo không có căn cứ và toà án cấp sơ thẩm đã xét xử đúng. Như vậy khi nhận thấy các các quyết định của bản án sơ thẩm có căn cứ và đúng pháp luật Hội đồng xét xử phúc thẩm có quyền giữ nguyên bản án sơ thẩm và không chấp nhận các kháng cáo.
Chấp thuận 1 phần kháng cáo
- Sửa một phần, toàn bộ án sơ thẩm
Theo quy định tại Điều 309 BLTTDS 2015. Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa một phần hoặc toàn bộ bản án sơ thẩm nếu Toà án cấp sơ thẩm quyết định không đúng pháp luật trong các trường hợp. Một, việc chứng minh và thu thập chứng cứ đã thực hiện đầy đủ và theo đúng quy định tại Chương VII của BLTTDS 2015. Hai, việc chứng minh và thu thập chứng cứ chưa thực hiện đầy đủ ở cấp sơ thẩm nhưng tại phiên tòa phúc thẩm đã được bổ sung đầy đủ.
- Hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ xét xử sơ thẩm lại
Theo quy định tại Điều 310 BLTTDS 2015. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm khi thuộc một trong các trường hợp:
- Việc thu thập chứng cứ và chứng minh không theo đúng quy định tại Chương VII của BLTTDS 2015 hoặc chưa được thực hiện đầy đủ mà tại phiên tòa phúc thẩm không thể thực hiện bổ sung được.
- Thành phần của Hội đồng xét xử sơ thẩm không đúng quy định của BLTTDS 2015 hoặc có vi phạm nghiêm trọng khác về thủ tục tố tụng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Đình chỉ giải quyết vụ án
Theo quy định tại Điều 311 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nếu trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, vụ án thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217, điểm b khoản 1 Điều 299 của BLTTDS 2015.
Dễ thấy, không phải tất cả các vụ án xét xử qua cấp sơ thẩm đều bị phúc thẩm, chỉ những vụ án mà bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và bị kháng cáo thì vụ án mới bị xét xử phúc thẩm. Như vậy cơ sở pháp lí làm phát sinh xét xử phúc thẩm là:
- Bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật
- Có kháng cáo phúc thẩm dân sự
Trên đây là bài viết về “Quy trình thụ lý và giải quyết kháng cáo bản án sơ thẩm”. Trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc cũng như có nhu cầu TƯ VẤN PHÁP LUẬT DÂN SỰ, nhu cầu về LUẬT SƯ DÂN SỰ hoặc các vấn về pháp lý khác hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo HOTLINE 1900.63.63.87 để được phía công ty chúng tôi tư vấn hỗ trợ. Xin cảm ơn.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn .
Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét