Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Công ty tài chính cho vay có bị hạn chế về lãi suất không?

Có lẽ rằng, vay tiêu dùng hiện nay không còn quá xa lạ đối với người Việt. Vay tiêu dùng có thể hiểu là một hình thức tổ chức tín dụng cho vay tiền nhanh để khách hàng có thể chi trả cho các khoản tiêu dùng cá nhân (chỉ vay với mục đích tiêu dùng cá nhân, không được phép sử dụng với mục đích khác). Chính vì sự phổ biến và tiện lợi này mà các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các Công ty tài chính đã khai tháctriệt để nó và tăng mức lãi suất cho vay lên rất cao. Xét về phần lãi suất đối với vấn đề này, bạn đọc liệu có thắc mắc công ty tài chính cho vay có bị hạn chế về lãi suất hay không? Bài viết sau đây sẽ làm rõ vấn đề trên.

Công ty tài chính cho vay có bị hạn chế về lãi suất không?


Lãi suất vay hiện nay cao như thế nào?
 Dẫn nguồn từ báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết Ngân hàng nhà nước đã khảo sát 7 địa phương gồm Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa và thấy được mức lãi suất phổ biến mà các Công ty áp dụng là 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm đối với tùy loại sản phẩm và thường áp dụng với số tiền cho vay ban đầu, không tính theo dư nợ giảm dần.
Đơn cử, Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Phát triển TP.HCM có mức lãi cho vay từ 42 - 80%. Công ty TNHH MB Shinsei có lãi suất cho vay mua thiết bị các sản phẩm Công nghệ cao 31 - 75%/năm, cho vay mua xe hai bánh 30 - 70%/năm, cho vay tiền mặt tối đa 75%/năm,…

 Năm 2018 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tổng hợp thông tin và đưa ra số liệu cụ thể rằng mức lãi suất cho vay tiêu dùng của các Công ty tài chính hiện nay giao động trong khoảng từ 55% đến trên 84%/năm. Đây là một con số khá lớn bởi mức lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại chỉ dao động từ 10 đến 25%/năm. Tuy nhiên vì sự tiện lợi và nhanh gọn trong khâu thẩm định hồ sơ nên nhiều người dân vẫn quyết định lựa chọn vay tiêu dùng tại các Công ty tài chính thay vì vay của các ngân hàng thương mại.

Lãi suất nhảy múa là một vấn đề gây đau đầu đối với khách hàng vay tín dụng hiện nay

Pháp luật hiện hành điều chỉnh như thế nào đối với lãi suất cho vay?
 Có một thực tế hiện nay là khi ký kết các hợp đồng tín dụng, người tiêu dùng thường không đọc kỹ hết toàn bộ nội dung hợp đồng. Dẫn đến việc sau khi đã ký kết hợp đồng xong, họ tính toán lại và nhận thấy tổng số tiền phải trả quá cao so với dự kiến ban đầu (gồm cả lãi suất, phạt chậm trả và lãi trên phần chậm trả,…). Rất nhiều người đã dựa vào khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 để giải thích rằng lãi suất vay dù theo thỏa thuận nhưng cũng không được vượt quá 20%/năm để viết đơn khiếu nại yêu cầu Công ty tài chính làm rõ vấn đề vì sao lãi suất của họ lại cao đến như vậy.
 Việc người tiêu dùng sử dụng điều luật trên để giải thích về lãi suất vay tín dụng là hoàn toàn không đúng. Bởi vì căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm có quy định rằng khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng thì ta sẽ phải áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.
 Điều này đồng nghĩa với việc mức lãi suất giới hạn 20%/năm đó sẽ không được áp dụng trong trường hợp người tiêu dùng vay nợ của các Công ty tài chính. Việc Công ty tài chính xác định lãi suất đối với khách hàng cụ thể là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của đôi bên dựa theo các yêu tố sau (Theo Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN):
· Cung cầu vốn thị trường;
· Nhu cầu vay vốn;
· Mức độ tín nhiệm của khách hàng

Phải tính toán thật kỹ trước mỗi khoản vay để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bản thân

Tạm kết
 Qua các phân tích ở trên, quý bạn đọc chắc hẳn đã hiểu rõ mức lãi suất cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của khác hàng và bên Công ty tài chính. Mức lãi suất này sẽ không tuân theo lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự 2015 (tức 20%/năm). Tuy nhiên, không phải vì thế mà các Công ty tài chính có thể tùy ý áp mức lãi suất bao nhiêu đều được. Cụ thể, theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định rằng nếu Công ty tài chính cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ phạm vào tội cho vay lãi nặng. Giải thích rõ hơn có nghĩa là lãi suất cho vay tối đa được quy định trong Hợp đồng tín dụng bắt buộc phải dưới 100%/năm, tức dưới 8,33%/tháng. Đây là quy định nhằm bảo vệ sự yếu thế của khách hàng khi phải phụ thuộc rất nhiều vào bên cho vay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG  Trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phức tạp, dịch vụ luật sư lao động đang trở thành lựa chọn tối ưu cho do...