Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2022

Cấm người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi khi yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Cấm người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi khi yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời giúp kịp thời ngăn chặn các hành vi có tác động tiêu cực đến quá trình Tòa án giải quyết và thi hành án. Mỗi yêu cầu đưa ra cần đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp với thực tế và mang tính hiệu quả khi thực hiện. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin về các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể áp dụng nhằm cấm người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi nhất định.

Cấm người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) được quy định tại Điều 111 BLTTDS 2015. Nhìn chung, thủ tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án nhanh chóng và đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho các bên đương sự như một quyền cơ bản của họ.

Thứ nhất, quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT là quyền của đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án quy định tại Điều 187 BLTTDS 2015. Tòa án có thể tự mình áp dụng BPKCTT đối với các biện pháp quy định tại khoản 1,2,3,4,5 Điều 114 BLTTDS 2015 mà không cần có đơn yêu cầu.

Thứ hai, thời điểm yêu cầu áp dụng BPKCTT:

  • Trong suốt quá trình giải quyết vụ án
  • Yêu cầu đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện trong trường hợp khẩn cấp

Thứ ba, về trường hợp được áp dụng (khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP):

  • Để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết mà cần phải được giải quyết ngay, nếu chậm trễ sẽ ảnh hưởng xấu đến đời sống, tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của đương sự;
  • Để thu thập, bảo vệ chứng cứ của vụ án đang do Tòa án thụ lý, giải quyết trong trường hợp đương sự cản trở việc thu thập chứng cứ hoặc chứng cứ đang bị tiêu hủy, có nguy cơ bị tiêu hủy hoặc sau này khó có thể thu thập được;
  • Để bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, tức là bảo toàn mối quan hệ, đối tượng có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được Tòa án giải quyết;
  • Để bảo đảm việc giải quyết vụ án hoặc thi hành án, tức là làm cho chắc chắn các căn cứ để giải quyết vụ án, các điều kiện để khi bản án, quyết định của Tòa án được thi hành thì có đầy đủ điều kiện để thi hành án.

Nhìn chung, khi đảm bảo các điều kiện trên, người yêu cầu có quyền nộp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT đến Tòa án có thẩm quyền thụ lý. Đối với các BPKCTT liên quan đến việc cấm một người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi, đây là các biện pháp mà Tòa án không thể tự mình áp dụng khi không có đơn yêu cầu. Vì vậy, thủ tục nộp đơn cũng là thủ tục bắt buộc để giải quyết nếu muốn thực hiện quyền yêu cầu áp dụng BPKCTT trong các trường hợp dưới đây.

>>>Xem thêm:
Có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc nộp đơn khởi kiện không?

Các biện pháp khẩn cấp tạm thời nào nhằm cấm người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi

Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp

Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp quy định tại Điều 121 BLTTHS 2015. Theo đó, biện pháp trên được áp dụng khi trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp cho người khác. Như vậy, để áp dụng biện pháp này, người yêu cầu phải chứng minh rằng người giữ tài sản có ý định tẩu tán, hủy hoại tài sản và đang hiện thực hóa ý định đó. Bên cạnh đó, có thể thấy pháp luật quy định đối tượng của biện pháp này là tài sản đang tranh chấp giữa các bên.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào khi đủ điều kiện trên cũng có thể áp dụng biện pháp này. Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP, việc áp dụng biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp không được áp dụng nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ mà biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba theo quy định tại Điều 297 BLDS 2015, trừ trường hợp người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đồng thời là bên nhận bảo đảm;
  • Tài sản đã được tổ chức bán đấu giá và người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác.

Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp

BPKCTT cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp được quy định tại Điều 122 BLTTDS 2015. Theo quy định pháp luật, đương sự có thể áp dụng biện pháp cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản đang tranh chấp có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

Để bảo toàn tài sản tranh chấp và đảm bảo cho việc thi hành án, đương sự có thể yêu cầu áp dụng biện pháp này nhằm cấm người có nghĩa vụ thực hiện hành vi tác động đến tài sản đang tranh chấp, giữ nguyên trạng thái của tài sản. Bởi lẽ khi thay đổi hiện trạng tài sản sẽ dẫn đến việc xem xét, đánh giá vụ việc không được khách quan, toàn diện và đầy đủ dẫn đến bản án, quyết định thiếu chính xác.

Cũng như biện pháp cấm chuyển dịch quyền về tài sản, biện pháp khẩn cấp tạm thời này cũng chỉ được áp dụng đối với các tài sản tranh chấp. Như vậy, đối với những tài sản khác của người có nghĩa vụ tuy có khả năng bảo đảm thi hành án nhưng nếu không có tranh chấp thì cũng không được áp dụng biện pháp trên.

Cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định

Biện pháp khẩn cấp tạm thời này được quy định tại khoản 12 Điều 114 và Điều 127 BLTTDS 2015. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu có căn cứ cho thấy đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoặc không thực hiện một hoặc một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ án đang được Tòa án giải quyết thì người yêu cầu có thể gửi đơn đến Tòa án yêu cầu áp dụng biện pháp này.

Có thể thấy, BPKCTT cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định có tính bao quát cao, phạm vi đối tượng áp dụng rất rộng. Vì vậy, khi áp dụng cần xác định rõ có thuộc trường hợp áp dụng các biện pháp khác như: phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ hay cấm dịch chuyển quyền về tài sản,… hay không. Việc xác định chính xác biện pháp cần áp dụng là căn cứ để áp dụng các biện pháp bảo đảm đi kèm vì biện pháp cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định không bị buộc thực hiện biện pháp bảo đảm theo Điều 136 BLTTDS 2015.

Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ

Hành vi xuất cảnh nhằm di chuyển đến nơi khác ngoài lãnh thổ để trốn tránh nghĩa vụ cần phải phải được ngăn chặn để đảm bảo cho việc bảo vệ quyền và lợi ích của bên yêu cầu. Để ngăn chặn người có nghĩa vụ thực hiện hành vi này, đương sự có thể yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ. Đây là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời theo khoản 13 Điều 114, được quy định cụ thể tại Điều 128 BLTTDS 2015 và được hướng dẫn chi tiết bởi Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP.

Theo các quy định trên, không phải bao giờ người có nghĩa vụ thực hiện hành vi xuất cảnh thì đương sự cũng có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp này mà phải có đủ các căn cứ sau đây:

  • Người bị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh là đương sự đang bị đương sự khác yêu cầu Tòa án buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ;
  • Việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác hoặc để bảo đảm việc thi hành án.

Như vậy, có thể thấy nếu không có căn cứ rằng việc xuất cảnh của người có nghĩa vụ “ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án” thì không được áp dụng biện pháp này. Ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án chưa được hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên có thể hiểu đây là những trường hợp mà nếu người có nghĩa vụ thực hiện hành vi xuất cảnh thì việc xác minh, thu thập chứng cứ,.. để giải quyết vụ án sẽ gặp trở ngại, khó khăn, thậm chí không thể thực hiện được.

Mặt khác, cần lưu ý rằng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ không áp dụng đối với người nước ngoài mà sẽ áp dụng biện pháp khác theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (khoản 2 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP).

>>>Xem thêm:
Khi nào được yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ án dân sự?

Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ

Cấm xuất cảnh đối với người có nghĩa vụ

Cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình

Cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình là biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại khoản 14 Điều 114 và Điều 129  BLTTDS 2015. Đây là quy định mới so với BLTTDS 2005. nhằm hạn chế những tác động xấu do nạn bạo lực gia đình gây ra. Biện pháp này  được áp trong trường hợp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự của nạn nhân bạo lực gia đình theo quy định của Luật phòng chống bạo lực gia đình.

Theo quy định của pháp luật, Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp này khi đáp ứng các điều kiện cơ bản theo Điều 21 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007:

  • Đương sự có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc gửi đến Tòa án có thẩm quyền,
  • Chứng minh được hành vi bạo lực gia đình gây tổn hại đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng: Có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Có dấu vết thương tích trên cơ thể nạn nhân có thể nhận thấy rõ bằng mắt thường hoặc có dấu hiệu rõ ràng về hoảng loạn tinh thần của nạn nhân bạo lực gia đình; Có chứng cứ chứng minh có sự đe dọa gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của nạn nhân bạo lực gia đình (theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 9 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP)
  • Người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân bạo lực gia đình có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc: nhà bạn bè, người thân,…

Ngoài ra, Điều 8 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP cũng hướng dẫn cụ thể về biện pháp cấm tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình. Theo đó, biện pháp này không cho phép người có hành vi bạo lực gia đình thực hiện các hành vi sau đây:

  • Đến gần nạn nhân trong khoảng cách dưới 30m; trừ trường hợp giữa người có hành vi bạo lực gia đình và nạn nhân có sự ngăn cách như tường, hàng rào hoặc các vật ngăn cách khác, bảo đảm đủ an toàn cho nạn nhân.
  • Sử dụng điện thoại, fax, thư điện tử hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo lực với nạn nhân.

Có thể yêu cầu áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc để cấm người có nghĩa vụ thực hiện hành vi không?

Hiện nay, căn cứ khoản 1 Điều 111 BLTTDS 2015, đương sự có quyền yêu cầu áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời cùng lúc để cấm người có nghĩa vụ thực hiện hành vi. Mỗi biện pháp yêu cầu áp dụng cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật, đồng thời sự kết hợp giữa các biện pháp phải hợp lí, mang tính hiệu quả.

Biện pháp bảo đảm

Để đảm bảo bình đẳng về quyền và nghĩa vụ giữa các đương sự, đối với một số biện pháp khẩn cấp tạm thời có khả năng gây thiệt lợi cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, pháp luật quy định người yêu cầu cần thực hiện các biện pháp bảo đảm đi kèm. Quy định thực hiện biện pháp bảo đảm có ý nghĩa trong việc hạn chế các trường hợp lạm dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, đồng thời bù đắp những thiệt hại, tổn thất cho bên bị áp dụng trong trường hợp biện pháp được áp dụng không chính xác.

Theo Điều 136 BLTTDS 2015, người yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm cấm người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi sau đây cần phải thực hiện biện pháp bảo đảm:

  • Cấm dịch chuyển quyền về tài sản đang tranh chấp
  • Cấm thay đổi hiện trạng tài sản đang tranh chấp

Trong các trường hợp trên, người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm một trong những cách sau đây:

  • Nộp cho Tòa án chứng từ bảo lãnh được bảo đảm bằng tài sản của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong vòng 02 ngày làm việc, kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm (có thể dài hơn nếu có lý do chính đáng nhưng phải trước ngày Tòa án mở phiên tòa). Nếu yêu cầu tại phiên tòa, Hội đồng xét xử sẽ xem xét, thảo luận, giải quyết tại phòng xử án. Trong trường hợp Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của đương sự về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà thuộc trường hợp phải buộc thực hiện biện pháp bảo đảm mà người đó cần có thời gian để thực hiện biện pháp bảo đảm hoặc không thể có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa trong thời hạn 02 ngày làm việc (khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP)
  • Gửi một khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá do Tòa án ấn định vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời Việc gửi không quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu. Trường hợp thực hiện biện pháp bảo đảm vào ngày lễ hoặc ngày nghỉ thì Tòa án chỉ nhận tiền đồng Việt Nam (khoản 3 Điều 14 Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP), Tòa án phải làm thủ tục giao nhận và gửi ngay khoản tiền đó vào ngân hàng vào ngày làm việc tiếp theo.

Ngoài ra, cần lưu ý, giá trị của chứng từ hay tài sản trên phải tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh. Tòa án chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi người yêu cầu thực hiện biện pháp bảo đảm trên.

>>>Xem thêm:
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vào ngày nghỉ

Trách nhiệm bồi thường

Trong nhiều trường hợp, áp dụng không đúng BPKCTT sẽ gây ra thiệt hại cho người bị áp dụng. Khi đó, trách nhiệm bồi thường được đặt ra để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại. Theo Điều 113 BLTTDS 2015, Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình và phải bồi thường nếu yêu cầu áp dụng BPKCTT không đúng dẫn đến thiệt hại cho người bị áp dụng hoặc người thứ ba. Ngoài ra, Tòa án cũng có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp sau:

  • Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
  • Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu;
  • Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
  • Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng.

Việc bồi thường thiệt hại này trong các trường hợp cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi áp dụng không đúng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi áp dụng không đúng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Thông tin liên hệ luật sư

Để được tư vấn cụ thể, bạn đọc có thể liên hệ Luật sư Long Phan PMT theo các thông tin sau:

Hỗ trợ tư vấn trực tiếp:

  • Tại TRỤ SỞ CÔNG TY: Tầng 14 Tòa nhà HM Town, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, quận 3, TP.HCM.
  • Tại Văn Phòng Luật sư Quận Bình Thạnh: 277/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 15, Bình Thạnh, HCM.

Hỗ trợ tư vấn trực tuyến:

  • Tư vấn qua EMAIL: Quý khách hàng muốn được tư vấn chi tiết, cụ thể bằng văn bản qua email vui lòng gửi mail trình bày vấn đề kèm các tài liệu liên quan đến pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn để đội ngũ luật sư tiếp nhận và tư vấn nhanh chóng.
  • Tư vấn qua ĐIỆN THOẠI: Quý khách hàng vui lòng gọi đến tổng đài 1900 63.63.87 để trình bày nội dung cần tư vấn, đặt câu hỏi hoặc đặt lịch hẹn tư vấn với Luật sư.
  • Tư vấn qua ZALO: Quý khách hàng vui lòng kết nối Zalo theo số điện thoại 0819 700 748 để nhận được sự hỗ trợ chi tiết từ Luật sư.
  • Tư vấn qua FACEBOOK: FANPAGE Luật Long Phan

Bài viết trên đây hy vọng đã cung cấp cho bạn đọc các thông tin hữu ích về cấm người có nghĩa vụ thực hiện một hành vi khi yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu Quý khách hàng có nhu cầu đặt lịch tư vấn hay giải đáp các thắc mắc khác, vui lòng liên hệ với Công ty Luật Long Phan PMT qua số hotline 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ hoặc trao đổi trực tiếp với LUẬT SƯ DÂN SỰ. Xin cảm ơn!

Thông qua tổng đài 1900.63.63.87, Luật sư của Long Phan PMT hy vọng có thể giúp đỡ được nhiều người với nhiều nhu cầu dịch vụ pháp lý khác nhau. Hotline 1900.63.63.87 luôn sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc từ quý khách hàng mọi lúc, mọi nơi, kết nối bạn đến với những tư vấn từ những luật sư giỏi về chuyên môn, nhiệt tình trong công việc.

*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.



Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG  Trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phức tạp, dịch vụ luật sư lao động đang trở thành lựa chọn tối ưu cho do...