Thủ tục yêu cầu độc lập người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm khi tham gia VỤ VIỆC DÂN SỰ. Quyền đưa ra yêu cầu độc lập là quyền được pháp luật tố tụng dân sự trao cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự. Theo đó, trình tự, thủ tục để người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đưa ra yêu cầu độc lập được quy định như thế nào? Mời Quý bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong pháp luật tố tụng dân sự
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bao gồm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự. Theo đó, căn cứ vào khoản 4, khoản 6 Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì:
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa học vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ tự mình hoặc đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa học vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 đã ghi nhận quyền đưa ra yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ở điểm b, khoản 1, Điều 73 như sau:
“1. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền và nghĩa vụ sau đây:
- a) Các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 70 Bộ luật này;
- b) Có thể có yêu cầu độc lập hoặc tham gia tố tụng với bên nguyên đơn hoặc bên bị đơn”
Khi nào yêu cầu độc lập được Tòa án chấp nhận
Căn cứ theo khoản 2 Điều 201 Bộ luật Tố tụng dân sự thì yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được Tòa án chấp nhận khi có các điều kiện sau:
- Việc giải quyết vụ án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ;
- Yêu cầu độc lập của họ có liên quan đến vụ án đang được giải quyết;
- Yêu cầu độc lập của họ được giải quyết trong cùng một vụ án làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Thủ tục yêu cầu độc lập
Căn cứ Điều 202 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì thủ tục yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.
Thẩm quyền thụ lý
Yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan sẽ được gửi đến Toà án đã thụ lý vụ việc mà họ đã được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Sau đó, Toà án sẽ xem xét yêu cầu độc lập rồi ra quyết định có thụ lý yêu cầu độc lập này hay không.
>> Xem thêm: Xác định thẩm quyền của Tòa án trong tố tụng dân sự
Trình tự thực hiện
Sau khi được nhận thông báo thụ lý và được Toà án xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc dân sự thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thực hiện quyền đưa ra yêu cầu độc lập như sau:
- Phải có đơn có yêu cầu độc lập: hình thức và nội dung tuân theo quy định tại Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự.
- Toà có thẩm quyền đã thụ lý vụ việc sẽ xem xét đơn yêu cầu độc lập theo quy định tại Điều 191, Điều 192, Điều 193 Bộ luật Tố tụng dân sự, nếu có căn cứ để thụ lý yêu cầu độc lập thì Tòa án sẽ ra thông báo nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí.
- Sau khi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoàn tất nghĩa vụ thì Tòa án sẽ ra thông báo thụ lý yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
>> Xem thêm: Trình tự nộp đơn khởi kiện đúng Toà án có thẩm quyền giải quyết.
Thủ tục đưa ra yêu cầu độc lập
Cách gửi đơn
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có thể gửi đơn yêu cầu độc lập kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng những phương thức sau:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Toà án thông qua dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
>> Xem thêm: Mẫu đơn yêu cầu độc lập trong vụ án dân sự
Thời hạn đưa ra yêu cầu độc lập
Theo quy định tại khoản 2, Điều 201 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải.
Ý nghĩa việc quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên
Quy định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập mang ý nghĩa:
- Giúp các cơ quan tiến hành tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan một cách nhanh chóng;
- Rút ngắn thời gian giải quyết vụ án khi giải quyết trong cùng vụ án.
Ý nghĩa của việc đưa ra yêu cầu độc lập
Công việc Luật sư bảo vệ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập
Khi khách hành xét thấy mình là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và có yêu cầu cần được giải quyết trong cùng vụ việc thì đội ngũ Luật sư của Công ty Luật Long Phan PMT sẽ hỗ trợ khách hàng về các vấn đề sau:
- Xác định yêu cầu độc lập cần được giải quyết cùng với vụ việc dân sự đã được Toà án thụ lý;
- Soạn thảo đơn yêu cầu độc lập và nộp Toà án đúng thời hạn quy định của pháp luật;
- Tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích của khách hàng;
- Hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác có liên quan.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến quy định về thủ tục yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp bạn đọc có khó khăn trong thực hiện thủ tục hoặc cần Tư vấn Luật dân sự vui lòng liên hệ hotline 1900.63.63.87 để được giải đáp miễn phí. Xin cảm ơn.
April 01, 2021 at 04:17PM
Nguồn: WordPress https://vuvietnang.wordpress.com/2021/04/01/thu-tuc-yeu-cau-doc-lap-cua-nguoi-co-quyen-loi-nghia-vu-lien-quan/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét