Hiện nay, các vấn đề về thừa kế đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của mọi người, đặc biệt là câu hỏi Làm thế nào để nhận tài sản thừa kế khi đang ở nước ngoài? Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình các đồng thừa kế cần nắm bắt rõ quy định của pháp luật hiện hành. Qua bài viết dưới đây Luật sư dân sự tại Long Phan PMT sẽ giúp quý bạn đọc giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề này.
Làm thế nào để nhận tài sản thừa kế khi đang ở nước ngoài
Quyền thừa kế của người đang định cư ở nước ngoài
- Quy định tại Điều 610 BLDS 2015, mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
- Điều 613 BLDS 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Theo đó, người đang định cư ở nước ngoài vẫn có quyền hưởng di sản thừa kế nếu thuộc trường hợp thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.
>>>Xem thêm: Thủ Tục Khai Nhận Di Sản Đất Đai Thừa Kế Theo Di Chúc Thế Nào?
Tuy nhiên quyền thừa kế của người định cư ở nước ngoài có một số hạn chế sau:
- Theo Điều 169, Điều 186 Luật đất đai 2013 và Điều 7, Điều 8 Luật nhà ở 2014, trường hợp những người định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì sẽ được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Theo đó, người nhận thừa kế được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Trường hợp những người trên thuộc đối tượng không được nhập cảnh vào Việt Nam thì sẽ không được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam. Người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.
Thủ tục nhận di sản của người đang định cư ở nước ngoài
Trực tiếp về nước làm thủ tục
Để có thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản sang người thừa kế có hai loại thủ tục là thủ tục khai nhận di sản hoặc thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo Điều 57, Điều 58 Luật công chứng 2014.
- Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế chính là kết quả của cuộc họp mặt những người thừa kế.
- Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.
- Để tiến hành các thủ tục trên, người đang định cư nước ngoài có thể trực tiếp về nước làm thủ tục.
Về nước làm thủ tục nhận di sản thừa kế
Ủy quyền thay mặt khai nhận di sản
Trường hợp người thừa kế định cư ở nước ngoài không thể trở về nước làm thủ tục nhận di sản, có thể ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục nhận di sản. Theo khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014, việc ủy quyền được thực hiện như sau;
>>>Xem thêm: Giải Quyết Tranh Chấp Nhà Ở Theo Di Chúc Cho Người Nước Ngoài
- Bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền;
- Bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.
Thủ tục nhận di sản thừa kế
Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
- Bước 1: Họp mặt các đồng thừa kế và làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản: nội thỏa thuận được quy định tại điều 656 BLDS 2015.
- Bước 2. Công chứng hoặc chứng thực văn bản thỏa thuận Các bên tiến hành phòng công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản tại Văn phòng công chứng hoặc chứng thực chữ ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn nếu không có văn phòng công chứng tại địa phương.
- Bước 3. Làm thủ tục sang tên và xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở nếu di sản là quyền sử dụng đất, nhà ở.
Thủ tục khai nhận di sản thừa kế:
- Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ
- Bước 2: Tiến hành công chứng Văn bản khai nhận di sản: Việc công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng gồm Phòng công chứng và Văn phòng công chứng.
- Bước 3: Tổ chức hành nghề công chứng niêm yết việc thụ lý Văn bản khai nhận di sản: điều 18 nghị định 19/2015/NĐ-CP công chứng viên cần niêm yết việc thụ lý Văn bản khai nhận di sản.
- Bước 4: Tổ chức hành nghề công chứng Văn bản khai nhận di sản.
- Bước 5: Thực hiện thủ tục đăng ký quyền tài sản tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện nơi có đất.
Theo quy định tại Điều 58 Luật Công chứng, để thực hiện công chứng Văn bản khai nhận di sản thừa kế, người yêu cầu công chứng phải chuẩn bị đầy đủ các loại giấy tờ sau đây:
- Phiếu yêu cầu công chứng
- Bản chính kèm bản sao các giấy tờ sau:
- CMND hoặc hộ chiếu của từng người thừa kế
- Hộ khẩu
- Giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân.
- Giấy khai sinh, Giấy xác nhận con nuôi; bản án, sơ yếu lý lịch, các giấy tờ khác chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người thừa kế.
- Giấy chứng tử của người để lại di sản, giấy báo tử, bản án tuyên bố đã chết, giấy đăng ký kết hôn, giấy xác nhận hôn nhân thực tế hoặc xác nhận độc thân, di chúc (nếu có) của người để lại di sản thừa kế.
- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản là di sản thừa kế
Thủ tục khai nhận di sản
Giải quyết tranh chấp thừa kế của người định cư ở nước ngoài
Tranh chấp thừa kế của người định cư ở nước ngoài nằm trong các trường hợp tranh chấp về thừa kế. Theo đó tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng Dân sự. Cụ thể, tại Điều 39 quy định những tranh chấp về thừa kế mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
>>>Xem thêm: Đất Chưa Có Sổ Đỏ Phân Chia Thừa Kế Như Thế Nào?
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn liên quan đến “Làm thế nào để nhận tài sản thừa kế khi đang ở nước ngoài” Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào, xin vui lòng liên hệ LUẬT SƯ DÂN SỰ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được tư vấn kịp thời và hỗ trợ tốt nhất. Xin cảm ơn.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn .
Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét