Ngày nay, việc ủy quyền cho người khác tiến hành khởi kiện tranh chấp là rất phổ biến. Tuy nhiên, ủy quyền là gì và thủ tục ủy quyền như thế nào là chính xác vẫn còn là thắc mắc của nhiều người. Để bảo vệ quyền lợi của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền và cũng để làm rõ thắc mắc này, bài viết sau đây sẽ giúp mọi người hiểu hơn về những vấn đề Thủ tục ủy quyền cho người khác tiến hành khởi kiện tranh chấp.
Thủ tục ủy quyền cho người khác tiến hành khởi kiện tranh chấp
Điều kiện ủy quyền cho người khác khởi kiện
Đối với người ủy quyền
Theo Điều 186 BLTTDS 2015 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.”
Đối với quyền khởi kiện thì điều cơ bản nhất người khởi kiện cần biết đó là khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có thể tự mình hoặc thông qua người khác (đại diện hợp pháp) để khởi kiện.
Đối với người ủy quyền, chủ thể khởi kiện phải có năng lực hành vi tố tụng dân sự. Nội dung ủy quyền phải phù hợp với điều kiện chủ thể trong giao dịch.
Đối với người nhận ủy quyền
Người nhận ủy quyền phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 138 BLDS 2015.
Người nhận ủy quyền không thể là người có quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng một vụ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015.
>>>Xem thêm:Có được cho người khác nộp và ký đơn khởi kiện
Quy định về ủy quyền khởi kiện
Hình thức ủy quyền khởi kiện
Hình thức ủy quyền do các bên thỏa thuận (văn bản, lời nói, hành vi) trừ trường hợp pháp luật quy định về việc ủy quyền phải lập thành văn bản. Ủy quyền được xác lập bằng văn bản có hai loại: giấy ủy quyền và hợp đồng ủy quyền.
Chủ thể được phép tham gia với tư cách là người nhận ủy quyền chỉ có thể là cá nhân, con người cụ thể.
Hiện nay chưa có văn bản quy định các trường hợp cá nhân ủy quyền cho cá nhân và tổ chức pháp nhân ủy quyền cho cá nhân phải công chứng, chứng thực. Dù là giấy ủy quyền hay hợp đồng ủy quyền thì đều là một giao dịch dân sự, có quyền tự thỏa thuận giữa các bên vì vậy có thể công chứng, chứng thực nếu có nhu cầu, việc công chứng, chứng thực là không bắt buộc. Tuy nhiên, tùy vào từng lĩnh vực, từng công việc mà có những trường hợp, pháp luật chuyên ngành vẫn yêu cầu văn bản ủy quyền phải được công chứng (Ví dụ: Khoản 2 Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Khoản 6 Điều 272 BLTTDS 2015,…)
Nội dung ủy quyền khởi quyền – căn cứ ủy quyền – phạm vi ủy quyền
Nội dung ủy quyền được quy định cụ thể trong hợp đồng ủy quyền đã được thỏa thuận giữa hai bên. Trong nội dung ủy quyền ghi nhận cụ thể bên được ủy quyền có những quyền như là tham gia tố tụng tại Tòa án nhân dân các cấp và toàn quyền quyết định các vấn đề liên quan đến việc giải quyết vụ án. Ngoài ra, trong nội dung ủy quyền còn quy định rõ phạm vi ủy quyền của người nhận ủy quyền, thời hạn ủy quyền và thù lao ủy quyền,…
Để có thể ủy quyền cho người khác tiến hành khởi kiện tranh chấp, bên ủy quyền cần phải có căn cứ ủy quyền là những tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền khởi kiện của mình. Bên ủy quyền cần cung cấp đơn khởi kiện và những tài liệu đính kèm có liên quan đến vụ kiện để có thể chứng minh về quyền khởi kiện của mình.
Phạm vi ủy quyền giữa người ủy quyền và người nhận ủy quyền được ghi nhận trong hợp đồng ủy quyền. Trong đó sẽ quy định rõ phạm vi ủy quyền của người nhận ủy quyền sẽ được làm những gì như quyền nộp đơn,quyền tham gia tố tụng trong các giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm, quyền tham gia các buổi làm việc, hòa giải, xét xử thậm chí là được ký tên lên các văn bản và giấy tờ liên quan. Tùy vào từng thỏa thuận cụ thể của hai bên mà bên nhận ủy quyền thậm chí còn được tự quyết định mọi vấn đề đã được ủy quyền.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ ủy quyền
Quyền vào nghĩa vụ của bên được ủy quyền được quy định tại Điều 565, 566 BLDS 2015.
- Bên được ủy quyền có quyền yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho công việc ủy quyền. Người được ủy quyền cũng có thể ủy quyền lại cho người thứ ba thực hiện các hành vi được ủy quyền nếu được bên ủy quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Tuy nhiên, hình thức của hợp đồng uỷ quyền lại cũng phải phù hợp với hình thức ủy quyền ban đầu và không được vượt quá phạm vi ủy quyền ban đầu.
- Bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện các hành vi pháp lý trong phạm vi được ủy quyền, thực hiện công việc theo ủy quyền và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó. Giữ bí mật thông tin mà mình biết được trong khi thực hiện việc ủy quyền. Khi hết hạn của hợp đồng hoặc khi thực hiện xong việc được uỷ quyền, bên được uỷ quyền phải giao lại kết quả công việc và giấy tờ, phương tiện đã nhận từ bên uỷ quyền
Quyền và nghĩa vụ của bên ủy quyền được quy định tại Điều 567, 568 BLDS 2015.
- Bên ủy quyền có quyền kiểm soát các hành vi thực hiện giao dịch của bên được ủy quyền. bên ủy quyền có quyền yêu cầu bên được ủy quyền phải chuyển giao lại tài sản, các giấy tờ, phương tiện cần thiết thực hiện việc ủy quyền trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Bên ủy quyền có nghĩa vụ phải xác định rõ phạm vi quyền, nghĩa vụ mà người đại diện cho mình sẽ thực hiện, cung cấp thông tin, giấy tờ, phương tiện cần thiết cho bên được ủy quyền thực hiện công việc. Thanh toán chi phí hợp lý do bên được ủy quyền bỏ ra để thực hiện công việc ủy quyền.
>>>Xem thêm:Trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật trong doanh nghiệp
Thời hạn ủy quyền
Pháp luật quy định về thời hạn ủy quyền để tránh trường hợp bên được ủy quyền lạm dụng sử dụng sự ủy quyền để tham gia giao dịch ngoài mong muốn của bên ủy quyền.
Thời hạn ủy quyền sẽ do các bên tự thỏa thuận với nhau hoặc do pháp luật quy định. Nếu không có thỏa thuận hoặc pháp luật không quy định thì hợp đồng ủy quyền có thời hạn 01 năm kể từ ngày xác lập theo điều 563 BLDS 2015.
Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 140 BLDS 2015 quy định về thời hạn đại diện thì việc ủy quyền cũng có thể chấm dứt khi:
a) Theo thỏa thuận;
- b) Thời hạn ủy quyền đã hết;
- c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
- d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
- e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;
- g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
Hướng xử lý khi vượt quá phạm vi ủy quyền
Hướng xử lý
Đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền là việc người được ủy quyền thực hiện hành vi pháp lý vượt quá phạm vi ủy quyền được cho phép. Theo pháp luật Việt Nam, đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền được quy định riêng biệt trong Điều 143 Bộ luật Dân sự. Đối với đại diện theo ủy quyền, việc xác định phạm vi ủy quyền phụ thuộc vào nội dung ủy quyền và người được ủy quyền chỉ có quyền thực hiện các công việc trong phạm vi ủy quyền. Khi họ thực hiện các công việc không nằm trong nội dung được ủy quyền được coi là đại diện vượt quá phạm vi ủy quyền.
Khi người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền của bản thân thì người đã giao dịch với người đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đối với phần vượt quá phạm vi đại diện hoặc toàn bộ giao dịch dân sự và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc vượt quá phạm vi đại diện mà vẫn giao dịch.
Dịch vụ luật sư nhận ủy quyền khởi kiện cho thân chủ
Luật sư có thể nhận ủy quyền thay mặt cho thân chủ khởi kiện, người ủy quyền có thể tiết kiệm được vô số thời gian và chi phí. Hơn nữa, khi ủy quyền cho luật sư thì họ là những người am hiểu hơn về quy trình tố tụng, có kiến thức pháp luật chuyên sâu, dày dặn kinh nghiệm làm việc thực tế, khả năng trình bày rõ ràng, lý lẽ và lập luận chặt chẽ sẽ giúp ích cho thân chủ rất nhiều. Luật sư sẽ thực hiện tiến hành những công việc tại Tòa án và ngoài Tòa án thay cho thân chủ của mình.
Quy trình tiếp nhận và cung cấp dịch vụ
Quy trình tiếp nhận và cung cấp dịch vụ của luật sư như sau:
Bước 1: Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu cần thiết cho vụ việc cần giải quyết. Nghiên cứu về tranh chấp của thân chủ.
Bước 2: Xác định các điều luật liên quan cần áp dụng, xác định rõ các điều kiện để được khởi kiện. Tư vấn và đưa ra nhận định pháp lý, định hướng cho khách hàng.
Bước 3: Để có cơ sở dữ liệu, luật sư tiến hành thu thập tài liệu chứng cứ liên quan.
Bước 4: Soạn thảo đơn khởi kiện. Nộp đơn khởi kiện tại nơi có thẩm quyền
Bước 5: Sau khi đơn khởi kiện được thụ lý, luật sư sẽ thực hiện các công việc khác mà pháp luật quy định (đại diện theo ủy quyền cho thân chủ tham gia phiên họp hòa giải, phiên tòa tại Tòa án,…)
Bước 6: Sau khi có quyết định của Tòa án, xử lý các vấn đề pháp lý có liên quan.
Thông tin liên hệ
Xin đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi qua các hình thức sau để được hỗ trợ tốt nhất:
– Website: luatlongphan.vn
– Email : pmt@luatlongphan.vn
– Hotline : 1900.63.63.87
– Fanpage: LUẬT LONG PHAN
– Zalo : LONG PHAN PMT LAW FIRM – 0819.700.748
– Trụ sở và Văn phòng làm việc:
– Trụ sở công ty: Tầng 14 Tòa nhà HM Tower, 412 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 5, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh.
– Văn phòng giao dịch: 277/45 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 15, Quận Bình Thạnh, Tp. Hồ Chí Minh
Trên đây là một số thông tin cơ bản về Thủ tục ủy quyền cho người khác tiến hành khởi kiện tranh chấp. Nếu bạn đọc cần hỗ trợ gửi tài liệu, yêu cầu tư vấn hoặc đặt lịch gặp trực tiếp luật sư vui lòng liên hệ trực tiếp qua số HOTLINE 1900.63.63.87 để TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ được trợ giúp về luật dân sự một cách chi tiết và kịp thời nhất. Xin cảm ơn!
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.
Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét