Sự vi phạm hợp đồng của một bên gây thiệt hại đến quyền lợi chính đáng mà bên bị vi phạm đáng lẽ được nhận. Bên bị vi phạm thường quan tâm đâu căn cứ để khởi kiện yêu cầu công nhận và buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng để tiến hành bảo vệ lợi ích của bản thân, giảm thiểu thiệt hại. Bài viết dưới đây sẽ phân tích rõ hơn về vấn đề này.
Yêu cầu công nhận và buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng
Căn cứ yêu cầu cơ quan tài phán công nhận hợp đồng
Hợp đồng có hiệu lực là điều kiện đầu tiên để buộc bên vi phạm phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Điều kiện để hợp đồng có hiệu lực quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể:
- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập
- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện
- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.
Trong một số giao dịch đặc thù, pháp luật yêu cầu hợp đồng giữa các bên phải được công chứng. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này nhưng một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng, thì vẫn có căn cứ yêu cầu Tòa án công nhận hiệu lực của hợp đồng.
Căn cứ yêu cầu cơ quan tài phán áp dụng chế tài buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Căn cứ buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng
Buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng là một trong những phương thức để bên bị vi phạm bảo vệ quyền lợi của mình trước hành vi vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ theo Luật Thương mại 2005.
Như vậy, buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng hay còn gọi là buộc thực hiện đúng hợp đồng theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 297 Luật Thương mại 2005, là việc bên bị vi phạm yêu cầu bên vi phạm thực hiện đúng hợp đồng hoặc dùng các biện pháp khác để hợp đồng được thực hiện và bên vi phạm phải chịu chi phí phát sinh. Theo đó, hành vi vi phạm hợp đồng là căn cứ để bên bị vi phạm yêu cầu áp dụng chế tài buộc thực hiện đúng hợp đồng đối với bên vi phạm, trừ trường hợp được miễn trách nhiệm
Trường hợp miễn trách nhiệm
Hành vi vi phạm hợp đồng rơi vào các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm theo quy định tại Điều 294 Luật Thương mại 2005, cụ thể:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Như vậy, nếu bên vi phạm chứng minh được hành vi vi phạm của mình rơi vào các trường hợp được miễn trừ trách nhiệm, thì bên bị vi phạm không có căn cứ yêu cầu cơ quan tài phán áp dụng chế tài buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng đối với bên vi phạm.
Những lưu ý trước khi yêu cầu cơ quan tài phán công nhận hoặc buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng
Tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng
Trước khi thực hiện quyền yêu cầu cơ quan tài phán công nhận hoặc buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng, đối mặt với hành vi vi phạm nghĩa vụ đến từ bên có nghĩa vụ, thì bên có quyền có quyền tự bảo vệ bản thân. Theo đó, bên có quyền được tiến hành yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 352 Bộ luật Dân sự 2015.
Nếu như sau khi tiến hành yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, mà bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện, thì khi này, bên có quyền yêu cầu cơ quan tài phán bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng
>>>Xem thêm: Hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng nhượng quyền thương mại
Thực hiện các hành vi nhằm hạn chế tối thiểu thiệt hại cho cả hai bên trong quá trình khởi kiện
Đối mặt với hành vi vi phạm nghĩa vụ, pháp luật yêu cầu bên có quyền phải thực hiện các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất xảy ra cho cả hai bên. Việc bên có quyền thực hiện các hành vi hạn chế thiệt hại sẽ là căn cứ để bên có quyền được cơ quan tài phán xem xét các khoản bồi thường thiệt hại từ hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ cho bên có quyền.
Như vậy, căn cứ theo Điều 305 Luật Thương mại 2005, để bảo vệ được quyền lợi tốt nhất cho cả hai bên, khi đối mặt với hành vi vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ, bên có quyền phải thực hiện các hành vi nhàm hạn chế tối thiểu thiệt hại cho cả hai bên trong quá trình khởi kiện.
Thu thập tài liệu chứng minh cho căn cứ khởi kiện
Căn cứ theo quy định tại Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bên có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp.
Theo đó, bên có quyền có yêu cầu cơ quan tài phán bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì là bên có nghĩa vụ thu thập chứng cứ, chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm từ hành vi của bên có nghĩa vụ. Bên cạnh đó, trong trường hợp bên có quyền có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì cũng phải thực hiện chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
Thủ tục khởi kiện yêu cầu công nhận hoặc buộc tiếp tục thực hiện
Xác định thẩm quyền cơ quan tài phán
Đối với các tranh chấp liên quan đến hợp đồng kinh doanh thương mại, Tòa án và Trọng tài là 2 cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Theo đó, có các trường hợp phát sinh như sau:
Trường hợp 1
Trường hợp các bên không có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, mà bên có quyền nộp đơn khởi kiện lên tòa án, thì tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Trường hợp 2
Theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, trường hợp các bên trong hợp đồng thỏa thuận trọng tài, thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về trọng tài. Việc thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Trường hợp 3
Thỏa thuận trọng tài trao cho trọng tài thẩm quyền xét xử, đồng thời loại bỏ đi thẩm quyền của tòa án. Theo đó, nếu các bên có thỏa thuận trọng tài, mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý.
Trường hợp 4
Nếu các bên vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, vừa thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Thì việc xác định thẩm quyền được xác định theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP.
- Nếu người khởi kiện yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp trước khi yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hoặc yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp khi Tòa án chưa thụ lý vụ án, thì Tòa án phải từ chối thụ lý giải quyết.
- Nếu người khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu Trọng tài giải quyết hay chưa. Nếu chưa thì Tòa án được xác định là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Đơn khởi kiện và hồ sơ khởi kiện
Khởi kiện tại Tòa án
Trong trường hợp tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thì đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện
- Tên, nơi cư trú, làm việc/trụ sở; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người khởi kiện; người bị kiện; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có)
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
>> Xem thêm: Mẫu đơn khởi kiện tranh chấp thương mại
Khởi kiện tại cơ quan trọng tài
Trong trường hợp trọng tài là cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thì đơn khởi kiện phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện
- Tên, địa chỉ của các bên; tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có
- Tóm tắt nội dung vụ tranh chấp
- Cơ sở và chứng cứ khởi kiện, nếu có
- Các yêu cầu cụ thể của nguyên đơn và giá trị vụ tranh chấp
- Tên, địa chỉ người được nguyên đơn chọn làm Trọng tài viên hoặc đề nghị chỉ định Trọng tài viên.
Kèm theo đơn khởi kiện, phải có thỏa thuận trọng tài, bản chính hoặc bản sao các tài liệu có liên quan.
Thủ tục khởi kiện yêu cầu công nhận hoặc buộc tiếp tục thực hiện
>>>Xem thêm: Hướng giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa bằng miệng
Các phương thức nộp đơn khởi kiện
Trong trường hợp tòa án là cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo Điều 190 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, người khởi kiện gửi đơn khởi kiện đến Tòa án thông qua các hình thức:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án
Trong trường hợp trọng tài là cơ quan có thẩm quyền giải quyết, theo làm đơn khởi kiện gửi đến Trung tâm trọng tài.
Chuẩn bị tạm ứng án phí theo yêu cầu của tòa án
Trường hợp giải quyết tranh chấp bằng tòa án, thì người khởi kiện phải tạm ứng án phí cho Tòa án theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, cụ thể:
- Vụ án dân sự không có giá ngạch: bằng mức án phí dân sự sơ thẩm không có giá ngạch (Sơ thẩm)
- Vụ án dân sự có giá ngạch: bằng 50% mức án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch (không thấp hơn mức án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án dân sự không có giá ngạch)
- Mức tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm: bằng mức án phí dân sự phúc thẩm
- Đối với vụ án dân sự, kinh doanh thương mại được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì mức tạm ứng án phí bằng 50% mức tạm ứng án phí ở thủ tục thông thường
>>>Xem thêm: Hướng dẫn cách tính án phí trong vụ án dân sự
Trên đây là toàn bộ nội dung hỗ trợ pháp luật liên quan đến “Các căn cứ để khởi kiện yêu cầu công nhận và buộc tiếp tục thực hiện hợp đồng”. Nếu như bạn có bất cứ vướng mắc nào hoặc có nhu cầu tìm hiểu thêm xin vui lòng liên hệ TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ qua HOTLINE 1900.63.63.87 để được hỗ trợ pháp luật kịp thời và tốt nhất. Xin cảm ơn.
*Lưu ý: Nội dung hỗ trợ pháp luật trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung hỗ trợ pháp luật trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn
Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét