Điều kiện phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường ngoài hợp đồng của nhiều người cùng gây thiệt hại thì cần phải căn cứ vào những điều kiện cụ thể nào? Làm thế nào để xác định lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng? Sau đây Luật Long Phan xin được giải đáp về vấn đề trên cùng các vướng mắc xoay quanh, mời Quý bạn đọc cùng đón xem:
Trách nhiệm liên đới bồi thường ngoài hợp đồng
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng
Về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định như sau: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Nói cách khác, căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là “hành vi xâm phạm của người gây ra thiệt hại”.
Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự 2015 không quy định rõ điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng mà chỉ dựa trên các căn cứ phát sinh trách nhiệm trên:
- Có thiệt hại xảy ra
- Hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
- Lỗi của người gây ra thiệt hại
- Có mối liên hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật
Điều kiện phát sinh trách nhiệm liên đới bồi thường ngoài hợp đồng
Theo quy định tại Điều 587 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Quy định về “cùng gây thiệt hại” trên thực tế còn khá mờ nhạt, chưa được làm rõ về yếu tố lỗi của nhiều người cùng gây ra thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, những người gây ra thiệt hại có thể được hiểu dưới các dạng sau:
Cùng cố ý gây ra thiệt hại
Tức là, những người cùng gây thiệt hại có cùng ý chí, thống nhất với nhau về mặt hành vi và hậu quả, hoặc có thể không cùng ý chí nhưng đều có thể nhận thức rõ hành vi đó là trái pháp luật, có thể gây ra thiệt hại nhưng vẫn thực hiện hành vi đó.
Cùng vô ý gây ra thiệt hại
Tức là những người cùng gây thiệt hại có cùng ý chí, thống nhất với nhau về mặt hành vi, do sự nhận thức của bản thân họ khi điều khiển hành vi mà gây thiệt hại. Bên cạnh đó, nếu người bị gây thiệt hại có lỗi hoàn toàn, hoặc do sự kiện bất khả kháng thì người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Cùng cố ý và cùng vô ý gây ra thiệt hại
Trường hợp này bao gồm cả hai trường hợp trên như đã phân tách, hướng giải quyết sẽ được tách ra thành cố ý và vô ý để giải quyết.
Xác định lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Lỗi là trạng thái tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ thực hiện. Có hai hình thức lỗi gồm: lỗi cố ý và lỗi vô ý.
- Lỗi cố ý: một người nhận thức rõ hành vi của mình sẽ gây thiệt hại cho người khác mà vẫn thực hiện và mong muốn hoặc tuy không mong muốn nhưng để mặc cho thiệt hại xảy ra.
- Lỗi vô ý: một người không thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, mặc dù phải biết hoặc có thể biết trước thiệt hại sẽ xảy ra hoặc thấy trước hành vi của mình có khả năng gây thiệt hại, nhưng cho rằng thiệt hại sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.
Tuy nhiên, trong chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, lỗi không là yếu tố bắt buộc trong tất cả các trường hợp.
Trong một số trường hợp lỗi còn là lỗi suy đoán, ví dụ như trường hợp bồi thường thiệt hại do gia súc, vật nuôi gây ra, lỗi thể hiện ở việc quản lý gia súc, vật nuôi dẫn đến thiệt hại – tức là người đó không có lỗi trực tiếp đối với thiệt hại.
>> Xem thêm: Hướng dẫn xử lý bồi thường thiệt hại do vật nuôi gây ra
Bên cạnh đó, lỗi có còn ý nghĩa trong việc xét giảm mức bồi thường thiệt hại trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015: người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
Xác định lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
Theo khoản 6 Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, thì dựa theo quy định của BLTTDS 2015 để xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Trình tự thực hiện:
- Bước 1: Nộp đơn (hồ sơ khởi kiện) tại Tòa án Nhân dân có thẩm quyền giải quyết
- Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ khởi kiện, ra thông báo tạm ứng án phí
- Bước 3: Người khởi kiện nộp biên lai tạm ứng án phí, Thẩm phán ra quyết định thụ lý vụ án và gửi thông báo thụ lý đến các đương sự và Viện kiểm sát.
- Bước 4: Các bên đương sự có văn bản trình bày ý kiến đối với nội dung khởi kiện trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Thủ tục khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại
>> Xem thêm: Mẫu đơn đề nghị bồi thường thiệt hại
Trên đây là một số giải đáp liên quan đến điều kiện phát sinh trách nhiệm ngoài hợp đồng của Luật Long Phan, nếu Quý bạn đọc có bất kỳ thắc mắc nào khác, xin vui lòng liên hệ qua Hotline: 1900.63.63.87 để được Luật Sư Dân Sự tư vấn thêm. Xin trân trọng cảm ơn.
* Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.
Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét