Thứ Ba, 3 tháng 3, 2020

Bồi thường trong bảo hiểm tài sản là nghĩa vụ mà doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện khi xảy ra sự kiện bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm. Vậy pháp luật kinh doanh bảo hiểm quy định nguyên tắc bồi thường trong trường hợp này thế nào? Bài tư vấn dưới đây sẽ giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này.

bao-dam-vi-the-tai-chinh

Bảo hiểm giúp bảo đảm vị thế tài chính trước nguy cơ rủi ro

1. Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản

Đối tượng của hợp đồng bảo hiểm tài sản gồm có:

  • Vật có thực;
  • Tiền;
  • Giấy tờ trị giá được bằng tiền;
  • Các quyền tài sản.

giao-ket-hop-dong-bao-hiem-tai-san

Có nhiều điều cần lưu ý khi giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản

2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản

2.1. Giao kết hợp đồng bảo hiểm tài sản

Hợp đồng bảo hiểm tài sản là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là DNBH) và bên mua bảo hiểm, theo đó DNBH có trách nhiệm phải bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Sự kiện bảo hiểm là sự kiện khách quan do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định mà khi sự kiện đó xảy ra thì DNBH phải bồi thường cho người được bảo hiểm.

2.2. Hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị

  • Là hợp đồng mà trong đó số tiền bảo hiểm cao hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng;
  • DNBH và người mua bảo hiểm không được giao kết hợp đồng này;
  • Nếu lỡ giao kết hợp đồng này vì lỗi vô ý, DNBH phải hoàn trả phần giá trị vượt quá lại cho người mua bảo hiểm.

2.3. Hợp đồng bảo hiểm dưới giá trị

Là hợp đồng mà trong đó số tiền bảo hiểm thấp hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm giao kết hợp đồng.

2.4. Hợp đồng bảo hiểm trùng

Là trường hợp bên mua bảo hiểm cùng giao kết với từ hai DNBH trở lên để bảo hiểm cho cùng một đối tượng, với cùng điều kiện và sự kiện bảo hiểm.

3. Nguyên tắc bồi thường trong bảo hiểm tài sản

3.1. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm

  • Hợp đồng bảo hiểm đã được giao kết và vẫn còn hiệu lực;
  • Bên mua bảo hiểm đã đóng đủ số tiền bảo hiểm hoặc chưa đóng nhưng trong hợp đồng có thỏa thuận cho nợ tiền đóng bảo hiểm;
  • Đã xảy ra sự kiện bảo hiểm;
  • Bên mua bảo hiểm có yêu cầu bồi thường theo hợp đồng trong vòng một năm kể từ ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm hoặc từ ngày biết việc xảy ra sự kiện đó.

3.2. Căn cứ bồi thường

  • Số tiền bồi thường mà DNBH phải chi trả được xác định trên cơ sở giá thị trường của tài sản được bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng;
  • Số tiền bồi thường mà DNBH chi trả không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng;
  • DNBH phải chi trả cho người được bảo hiểm những chi phí cần thiết, hợp lý để phòng ngừa, hạn chế tổn thất và những chi phí phát sinh mà người được bảo hiểm phải chịu để thực hiện chỉ dẫn của DNBH.

3.3. Một số trường hợp đặc biệt

  • Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản trên giá trị, DNBH chỉ chịu trách nhiệm không lớn hơn giá thị trường của tài sản được bảo hiểm;
  • Đối với hợp đồng bảo hiểm tài sản dưới giá trị, DNBH chỉ chịu trách nhiệm theo tỷ lệ chênh lệch giữa giá trị tài sản và giá thị trường;
  • Đối với hợp đồng bảo hiểm trùng, mỗi DNBH chỉ chịu trách nhiệm theo tỷ lệ giữa số tiền đã thỏa thuận trên tổng số tiền bảo hiểm của tất cả các hợp đồng, tổng mức bồi thường của các doanh nghiệp không vượt quá giá trị thiệt hại.

3.4. Hình thức bồi thường

Các bên có thể thỏa thuận một trong các hình thức sau đây:

  • Sửa chữa tài sản;
  • Thay thế tài sản bị thiệt hại bằng tài sản khác;
  • Trả tiền bồi thường.

Trong trường hợp không có thỏa thuận thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền. Nếu việc bồi thường được thực hiện bằng thay thế tài sản hoặc bằng tiền thì DNBH có quyền thu hồi tài sản hư hỏng.

3.5. Nghĩa vụ tuân thủ quy định an toàn

  • Người được bảo hiểm phải thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy, an toàn lao động, vệ sinh lao động và những quy định khác của pháp luật có liên quan nhằm bảo đảm an toàn cho đối tượng bảo hiểm;
  • Nếu người được bảo hiểm không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho đối tượng bảo hiểm thì DNBH có quyền ấn định một thời hạn để người được bảo hiểm thực hiện các biện pháp đó;
  • Hết thời hạn được ấn định mà các biện pháp bảo đảm an toàn vẫn không được thực hiện thì DNBH có quyền tăng phí bảo hiểm hoặc đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

3.6. Nguyên tắc thế quyền

Nội dung cơ bản của nguyên tắc này là, sau khi DNBH bồi thường cho người được bảo hiểm theo hợp đồng thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu bên gây thiệt hại bồi hoàn lại cho DNBH.

Mục đích của nguyên tắc này là để đảm bảo người được bảo hiểm được nhận lại đúng phần giá trị mà mình bị thiệt hại, không hơn không kém. Ví dụ:

A điều khiển xe ô tô 4 bánh đi đúng luật bị xe tải của B đi trái luật đâm trúng gây tổng thiệt hại 50 triệu đồng, doanh nghiệp bảo hiểm đã thanh toán đủ. Nếu A không chuyển giao lại quyền đòi bồi hoàn giá trị tổn thất từ B thì có khả năng A sẽ được nhận số bồi thường lớn hơn mức mình bị tổn thất, không phù hợp với nguyên tắc đền bù ngang giá.

3.7. Nguyên tắc khác

  • DNBH không chịu trách nhiệm đối với tổn thất do hao mòn tự nhiên của tài sản;
  • Trong trường hợp xảy ra tổn thất, người được bảo hiểm không được từ bỏ tài sản được bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định hoặc các bên có thoả thuận khác.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài tư vấn. Nếu còn bất cứ điều gì chưa rõ hoặc cần tư vấn thêm, quý khách vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi thông qua đường dây nóng để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Luật sư Vũ Viết Năng

Địa chỉ: Số 69, TDP số 2, thị trấn Yên Định, Hải Hậu, Nam Định

Email: vuvietnang123@@

Tư vấn luật dân sự: https://luatlongphan.vn/tu-van-luat/dan-su

Site google: https://sites.google.com/site/lsvuvietnang/



Nguồn: WordPress https://vuvietnang.wordpress.com/2020/03/03/nguyen-tac-boi-thuong-trong-bao-hiem-tai-san/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG  Trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phức tạp, dịch vụ luật sư lao động đang trở thành lựa chọn tối ưu cho do...