Trường hợp nào thì Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn? là câu hỏi được đặt ra bởi khá nhiều người khi họ tham gia vào các vụ án dân sự với tư cách bị đơn – người bị coi là xâm phạm đến quyền hoặc lợi ích của nguyên đơn. Việc xét xử vắng mặt bị đơn không đúng theo các quy định của pháp luật là hành vi vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bị đơn. Vì vậy, để nắm rõ các trường hợp Tòa án được xét xử vắng mặt bị đơn, hãy cùng theo dõi bài viết sau.
Trường hợp nào Tòa án được xét xử vắng mặt bị đơn?
Quy định của pháp luật về sự có mặt của bị đơn tại phiên tòa
Về sự có mặt của bị đơn nói riêng và của đương sự nói chung tại phiên tòa, Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015) quy định, khi triệu tập hợp lệ lần thứ nhất:
- Đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa;
- Nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phảihoãn phiên tòa;
- Nếu có đơn đề nghịxét xửvắng mặt thì vẫn xét xử.
Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt.
>> Xem thêm: Vắng mặt người làm chứng có được tiến hành xét xử vụ án hình sự?
Trường hợp Tòa án được xét xử vắng mặt bị đơn
Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, bị đơn phải có mặt, hoặc có thể ủy quyền cho người khác thay bị đơn tham gia phiên tòa. Nếu bị đơn không tham gia được và không có người đại diện tham gia, nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên tòa mà không có sự có mặt của bị đơn.
Khi Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, nếu bị đơn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử trong trường hợp sau:
- Bị đơn không có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa;
- Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa nhưng có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
- Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử và đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn.
“Sự kiện bất khả kháng” theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015) là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Còn “trở ngại khách quan” là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người bị kiện không thể thực hiện được việc tham dự phiên tòa của mình, trong đó những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động có thể là: thiên tai, địch họa, nhu cầu chiến đấu, phục vụ chiến đấu…
>> Xem thêm: Thủ tục tố tụng khi đương sự vắng mặt trong vụ án ly hôn
Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa có được kháng cáo không?
Bị đơn vắng mặt tại phiên tòa vẫn được quyền kháng cáo
Sau khi Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt bị đơn, bị đơn vẫn được quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Theo quy định tại Điều 273 BLTTDS 2015, thời hạn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm là 15 ngày kể từ ngày tuyên án; đối với bị đơn không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Bị đơn được quyền yêu cầu hoãn phiên tòa do ảnh hưởng của Covid-19 không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 233 BLTTDS 2015, Hội đồng xét xử buộc phải hoãn phiên tòa hoặc có quyền quyết định hoãn phiên tòa tùy thuộc vào các căn cứ:
- Một trong những người tiến hành tố tụng bị yêu cầu thay đổi, có căn cứ để thay đổi nhưng không có người thay thế ngay;
- Đương sự được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất nhưng họ và đại diện của họ không có mặt tại phiên tòa và không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt;
- Người phiên dịch vắng mặt mà không có người thay thế;
- Đương sự được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, họ và người đại diện của họ không có mặt tại phiên tòa, không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt nhưng có lý do chính đáng;
- Người làm chứng, người giám định vắng mặt tại phiên tòa.
Covid-19 có thể được coi là một trở ngại khách quan (lý do chính đáng), là căn cứ để bị đơn yêu cầu Tòa án hoãn phiên tòa. Ngày 11/5/2021, Tòa án nhân dân tối cao cũng ban hành công văn số 125/TANDTC-VP về việc tiếp tục phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó:
- Tòa án tại các đơn vị hành chính thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải tạm dừng việc xét xử, giải quyết các vụ án trừ các trường hợp cấp bách nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch;
- Tòa án tại các đơn vị hành chính thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg chỉ xét xử các vụ án đã hoặc sắp hết thời hạn, các vụ việc liên quan đến phòng chống dịch bệnh, khiếu kiện cử tri;
- Tòa án tại các đơn vị hành chính chưa phải thực hiện cách ly xã hội, giãn cách xã hội được tổ chức xét xử, giải quyết các vụ án theo quy định nhưng phải thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch.
Covid-19 có thể được xem là lý do chính đáng
Có thể thấy, bị đơn có quyền yêu cầu hoãn phiên tòa do ảnh hưởng Covid-19 nhưng quyền quyết định hoãn phiên tòa thuộc về Hội đồng xét xử sau khi xem xét đến hoàn cảnh và căn cứ theo chỉ thị của Tòa án nhân dân tối cao.
>> Xem thêm: Người kháng cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm xử lý thế nào?
Trên đây là bài viết chi tiết về Trường hợp nào thì Tòa án xét xử vắng mặt bị đơn. Nếu bạn đọc vẫn còn vướng mắc về các vấn đề có liên quan hoặc cần được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ vui lòng gọi số HOTLINE 1900.63.63.87để được hỗ trợ.
*Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.
Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan PMT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét