Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm dân sự là vấn đề được nhiều người quan tâm bởi lẽ nhờ những căn cứ kháng nghị này mà có thể khắc phục được những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho quý bạn đọc những quy định về giám đốc thẩm, căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm cũng như THỦ TỤC để đương sự yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm.
Giám đốc thẩm nhằm khắc phục những vi phạm pháp luật nghiêm trọng
Quy định luật Tố tụng dân sự về kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm
Thủ tục giám đốc thẩm là gì?
Theo Điều 325 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS 2015), Giám đốc thẩm là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có căn cứ theo quy định của pháp luật. Giám đốc thẩm là một thủ tục đặc biệt, không phải một cấp xét xử.
Thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Căn cứ Điều 331 BLTTDS 2015, những người sau đây sẽ có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm:
- Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao;
- Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Chánh án Tòa án Nhân dân cấp cao;
- Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân cấp cao.
Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm
Theo Điều 334 BLTTDS 2015, thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm như sau:
- Người có thẩm quyền kháng nghị có quyền kháng nghị trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Thời hạn kháng nghị sẽ là 05 năm nếu có các điều kiện sau đây:
- Đương sự đã có đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm và sau khi hết thời hạn kháng nghị 03 năm mà đương sự vẫn tiếp tục có đơn đề nghị;
- Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, của người thứ ba, lợi ích của cộng đồng, của Nhà nước và phải kháng nghị để khắc phục sai lầm trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
Thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm có thể kéo dài đến 05 năm
Căn cứ tiến hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Căn cứ Điều 326 BLTTDS 2015, bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
- Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
- Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
Người có thẩm quyền kháng nghị tiến hành kháng nghị giám đốc thẩm khi:
- Có một trong các căn cứ kháng nghị nêu trên;
- Có đơn đề nghị hoặc có thông báo, kiến nghị theo quy định. Trường hợp xâm phạm lợi ích công cộng, lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba thì không cần phải có đơn đề nghị.
Thủ tục yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm của đương sự
Căn cứ Điều 328, Điều 329 BLTTDS 2015, đương sự yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm thực hiện theo thủ tục sau:
- Đương sự nộp đơn đề nghị kèm theo là bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp đến người có thẩm quyền kháng nghị.
- Tòa án, Viện kiểm sát nhận đơn đề nghị do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án, Viện kiểm sát hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho đương sự.
- Tòa án, Viện kiểm sát thụ lý đơn đề nghị. Trường hợp đơn không đủ điều kiện thì yêu cầu người gửi đơn sửa đổi, bổ sung trong thời hạn 01 tháng; hết thời hạn này mà người gửi đơn không sửa đổi, bổ sung thì trả lại đơn đề nghị, nêu rõ lý do và ghi chú vào sổ nhận đơn.
- Người có quyền kháng nghị phân công người có trách nhiệm tiến hành nghiên cứu đơn, thông báo, kiến nghị, hồ sơ vụ án, báo cáo người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, quyết định; nếu không kháng nghị thì thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Mẫu đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm
>>> Xem thêm: MẪU ĐƠN ĐỀ NGHỊ KHÁNG NGHỊ GIÁM ĐỐC THẨM VỤ ÁN DÂN SỰ
Thẩm quyền của hội đồng xét xử giám đốc thẩm
Theo Điều 343 BLTTDS 2015, hội đồng xét xử giám đốc thẩm có thẩm quyền:
- Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;
- Hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp dưới đã bị hủy hoặc bị sửa;
- Hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm hoặc xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm;
- Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án;
- Sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Luật sư hỗ trợ trường hợp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Trong vấn đề liên quan đến kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, Công ty Luật Long Phan PMT có thể hỗ trợ các công việc:
- Tư vấn các quy định của pháp luật về Tố tụng dân sự và quy định khác liên quan;
- Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ yêu cầu kháng nghị giám đốc thẩm;
- Đại diện khách hàng làm việc với các cơ quan Nhà nước;
- Các công việc khác liên quan.
Trên đây là toàn bộ bài viết tư vấn về căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm dân sự. Trong quá trình tìm hiểu, nếu quý bạn đọc có bất cứ khó khăn, vướng mắc hay có những vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực dân sự thì hãy gọi ngay vào HOTLINE 1900.63.63.87 để được TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ hỗ trợ tư vấn miễn phí. Xin cảm ơn!
February 14, 2021 at 07:45AM
Nguồn: WordPress https://vuvietnang.wordpress.com/2021/02/14/can-cu-de-khang-nghi-theo-thu-tuc-giam-doc-tham-dan-su/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét