Vấn đề trách nhiệm bồi thường thiệt hại luôn được rất nhiều khách hàng quan tâm và tìm hiểu. Trong số các câu hỏi về bồi thường thiệt hại mà khách hàng gửi đến, vấn đề “khi xảy ra hỏa hoạn chủ đất hay người thuê phải bồi thường” được rất nhiều người quan tâm. Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi có hỏa hoạn xảy ra được pháp luật quy định như thế nào? Bài viết sau đây sẽ giải đáp thắc mắc cho quý bạn đọc.
Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể. Vậy, căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được Bộ luật Dân sự 2015 quy định như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015 quy định:
“Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.”
Căn cứ vào quy định này, có thể xác định căn cứ để truy cứu trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng là “hành vi xâm phạm của người gây thiệt hại”. Theo đó, trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng phát sinh khi có các điều kiện sau:
Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra. Thiệt hại là một trong những yếu tố cấu thành trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng. Bởi vì trách nhiệm BTTH chỉ phát sinh khi có thiệt hại về tài sản hoặc thiệt hại về tinh thần.
Thứ hai, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật.
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra. Tức là, hành vi trái pháp luật chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thiệt hại xảy ra và ngược lại. Hành vi trái pháp luật sẽ là nguyên nhân của thiệt hại nếu giữa hành vi đó và thiệt hại có mối quan hệ tất yếu có tính quy luật chứ không phải là ngẫu nhiên.
Ngoài 3 nguyên tắc cơ bản, BTTH ngoài hợp đồng còn có 2 nguyên tắc như sau:
- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
>>Xem thêm: Xem thêm: Cách tính mức bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng
Xác định người chịu trách nhiệm bồi thường khi có hỏa hoạn xảy ra
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp nhân
Đầu tiên, trách nhiệm của pháp nhân được quy định tại Điều 93 Điều 2015 như sau:
- Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.
- Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho thành viên của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân.
- Thành viên của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện.”
Ngoài ra, tại Điều 618 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật.”
Theo quy định này, nếu có hỏa hoạn xảy ra thì công ty là đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những thiệt hại xảy ra với các nhà dân xung quanh. Trong trường hợp bạn là công nhân của công ty và là người gây ra hỏa hoạn thì hành vi không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động và để để ra hỏa hoạn cũng một phần do lỗi của công ty trong việc quản lý người lao động. Theo quy định, công ty sẽ phải bồi thường thiệt hại do đám cháy gây ra.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ra hỏa hoạn của pháp nhân
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân có hành vi vi phạm
Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân sẽ phụ thuộc vào yếu tố lỗi của người thực hiện hành vi. Cụ thể như sau:
- Nếu cá nhân là người thực hiện đúng, đầy đủ các quy trình và các bước thực hiện công việc nhưng do một yếu tố khách quan là Công ty không đảm bảo an toàn dẫn đến hậu quả, thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ thuộc về công ty.
- Nếu cá nhân là người vi phạm các quy tắc an toàn, vi phạm quy trình thực hiện. Đồng thời, công ty thực hiện không đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn thì cá nhân sẽ phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường tương ứng với phần lỗi mình gây ra.
- Cá nhân người gây ra hỏa hoạn sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều 275 BLDS 2015.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi gây ra hỏa hoạn của cá nhân
Như vậy, nguyên nhân gây ra vụ hỏa hoạn chính là căn cứ để xác định ai là người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hỏa hoạn xảy ra, đó là người thuê hay chủ đất? Trong trường hợp cả hai bên là bên cho thuê và bên thuê đều gây ra lỗi dẫn đến thiệt hại thì cả hai cùng phải bồi thường.
Tham khảo mẫu đơn đề nghị bồi thường thiệt hại
Phần kính gửi
Trong mẫu đơn đề nghị bồi thường thiệt hại, phần kính gửi sẽ ghi tên cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường thiệt hại trong trường hợp cụ thể. Ví dụ:
- Nếu là yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong giai đoạn điều tra là Cơ quan cảnh sát điều tra. Trong giai đoạn truy tố là Viện kiểm sát nhân dân. Trong giai đoạn xét xử là Tòa án giải quyết.
- Nếu là yêu cầu bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự thì đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại gửi Tòa án xem xét giải quyết.
- Nếu thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra thì cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường được quy định tại Điều 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39 và Điều 40 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thông tin người làm đơn
Thông tin người làm đơn phải ghi rõ họ tên, năm sinh, số CMND hoặc căn cước công dân/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, địa chỉ đăng ký thường trú, địa chỉ liên lạc, số điện thoại…
- Người yêu cầu bồi thường là cá nhân người bị thiệt hại thì ghi họ tên của người bị thiệt hại hoặc người đại diện theo ủy quyền của người bị thiệt hại.
- Nếu người bị thiệt hại chết thì ghi họ tên người thừa kế quyền và nghĩa vụ của người bị thiệt hại.
- Nếu người yêu cầu bồi thường thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì ghi họ tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó.
- Nếu người yêu cầu bồi thường là tổ chức thì ghi tên của tổ chức và người đại diện theo pháp luật của tổ chức đó.
>>Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị tai nạn giao thông
Căn cứ bồi thường
Căn cứ yêu cầu bồi thường được ghi thành tên văn bản như: số hiệu, ngày tháng ban hành, cơ quan ban hành, trích yếu của văn bản…
Xác định thiệt hại
Xác định thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, giảm sút, thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần (nếu có) do hỏa hoạn gây ra.
Bài viết trên là quy định của pháp hiện hiện hành về vấn đề truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hỏa hoạn xảy ra. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu còn thắc mắc hoặc cần tư vấn cụ thể, mời bạn liên hệ với Luật sư Luật dân sự của Công ty Luật Long Phan PMT thông qua hotline 1900.63.63.87. Xin cảm ơn quý khách!
Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan PMT
Nguồn: WordPress https://vuvietnang.wordpress.com/2021/06/27/khi-xay-ra-hoa-hoan-chu-dat-hay-nguoi-thue-phai-boi-thuong/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét