Thứ Hai, 2 tháng 8, 2021

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên được quy định như thế nào? Khi con cái gây ra thiệt hại, cha mẹ thường phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp cha mẹ đều chịu trách nhiệm. Vậy pháp luật Việt Nam quy định như thế nào về vấn đề này, mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra

Các căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra có thể được xác định dựa trên các điều kiện:

  • Có thiệt hại xảy ra: việc xác định thiệt hại được coi là tiền đề quan trọng phải có trước tiên. Phạm vi của trách nhiệm bồi thường hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiệt hại thực tế đã xảy ra.
  • Có hành vi trái pháp luật: là hành vi gây ra thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ. Hành vi trái pháp luật đó có thể do pháp luật cấm thực hiện, hoặc yêu cầu thực hiện nhưng chủ thể đã không thực hiện hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ nên đã gây thiệt hại.
  • Có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra: Chỉ khi nào xác định được rõ ràng rằng hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại có ý nghĩa quyết định trong việc làm phát sinh thiệt hại thực tế, thì người đó mới phải chịu trách nhiệm bồi thường.
  • Yếu tố lỗi (lỗi của cha, mẹ, người giám hộ, quản lý): Đối với trường hợp này thì yếu tố lỗi là không bắt buộc, đặc biệt là đối với chính người gây thiệt hại, lỗi ở đây chỉ có thể là lỗi suy đoán thuộc về cha, mẹ, người giám hộ, người quản lý hợp pháp của người chưa thành niên do họ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, giáo dục quản lý con cái chưa thành niên, quản lý người chưa thành niên.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra

Trách nhiệm của cha mẹ trong trường hợp người chưa thành niên dưới 15 tuổi

Theo quy định tại khoản 2 Điều 586 BLDS 2015 chủ thể chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.

bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra

Trách nhiệm của cha mẹ với người chưa thành niên

Đối với người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại trong trường học thì cần căn cứ vào yếu tố lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về nhà trường hay cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi; về nguyên tắc nếu nhà trường có lỗi thì nhà trường có trách nhiệm bồi thường, nếu nhà trường không có lỗi thì cha, mẹ, người giám hộ của người chưa đủ 15 tuổi bồi thường.

Trách nhiệm của cha mẹ trong trường hợp trẻ chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi

Theo quy định tại khoản 2 Điều 586 BLDS 2015, nguyên tắc bồi thường đối với chủ thể từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Với quy định trên, có thể luận giải pháp luật Việt Nam lấy mốc độ tuổi để đoán định năng lực chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, trẻ chưa thành niên được xem là có năng lực chịu trách nhiệm đầy đủ và là chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra.

>> Xem thêm: Trách nhiệm dân sự của cha me khi con cái gây ra thiệt hại

Trách nhiệm của người giám hộ

Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

Khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra thực hiện ra sao?

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Theo Điều 588 BLDS 2015, thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thủ tục khởi kiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

  • Đơn khởi kiện;
  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu và sổ hộ khẩu của người khởi kiện là cá nhân; đăng ký kinh doanh/đăng ký thuế/ điều lệ của người khởi kiện là tổ chức (bản sao chứng thực);
  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu và sổ hộ khẩu của người bị kiện là cá nhân; đăng ký kinh doanh/đăng ký thuế/ điều lệ của người bị kiện là tổ chức (bản sao chứng thực);
  • Tài liệu chứng cứ chứng minh sự kiện vi phạm;
  • Tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại thực tế;
  • Danh mục tài liệu chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án

Bước 3: Thụ lý vụ án

Sau khi nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét những tài liệu, chứng cứ cần thiết, nếu xét thấy thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án sẽ thông báo cho đương sự biết để đương sự nộp tiền tạm ứng án phí.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, đương sự phải nộp tiền tạm ứng án phí. Sau khi nộp tiền tạm ứng án phí, đương sự nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án. Tòa án thụ lý việc dân sự hoặc vụ án dân sự kể từ khi nhận được biên lai này.

Bước 4: Chuẩn bị xét xử

  • 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng.
  • Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Bước 5: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm:

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Trường hợp Bản án của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét và giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Ngoài ra, vụ án còn có thể được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm

Trên đây là bài viết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên. Trường hợp Quý bạn đọc có thắc mắc cũng như có nhu cầu TƯ VẤN LUẬT DÂN SỰ hoặc các vấn về pháp lý khác hãy liên hệ ngay với chúng tôi theo HOTLINE 1900.63.63.87 để được phía công ty chúng tôi tư vấn chi tiết. Xin cảm ơn.

* Lưu ý: Nội dung tư vấn trên đây chỉ mang tính tham khảo. Tùy từng thời điểm và đối tượng khác nhau mà nội dung tư vấn trên có thể sẽ không còn phù hợp. Mọi thắc mắc, góp ý xin vui lòng liên hệ về email: pmt@luatlongphan.vn hoặc info@luatlongphan.vn.



Nguồn: Luật Sư Vũ Viết Năng – Luật Long Phan PMT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG  Trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phức tạp, dịch vụ luật sư lao động đang trở thành lựa chọn tối ưu cho do...