Thứ Hai, 29 tháng 4, 2019

Công ty tài chính cho vay có bị hạn chế về lãi suất không?

Có lẽ rằng, vay tiêu dùng hiện nay không còn quá xa lạ đối với người Việt. Vay tiêu dùng có thể hiểu là một hình thức tổ chức tín dụng cho vay tiền nhanh để khách hàng có thể chi trả cho các khoản tiêu dùng cá nhân (chỉ vay với mục đích tiêu dùng cá nhân, không được phép sử dụng với mục đích khác). Chính vì sự phổ biến và tiện lợi này mà các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các Công ty tài chính đã khai tháctriệt để nó và tăng mức lãi suất cho vay lên rất cao. Xét về phần lãi suất đối với vấn đề này, bạn đọc liệu có thắc mắc công ty tài chính cho vay có bị hạn chế về lãi suất hay không? Bài viết sau đây sẽ làm rõ vấn đề trên.

Công ty tài chính cho vay có bị hạn chế về lãi suất không?


Lãi suất vay hiện nay cao như thế nào?
 Dẫn nguồn từ báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng, vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết Ngân hàng nhà nước đã khảo sát 7 địa phương gồm Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Thanh Hóa và thấy được mức lãi suất phổ biến mà các Công ty áp dụng là 40 - 50%/năm, một số trường hợp lãi suất cho vay lên đến 85%/năm đối với tùy loại sản phẩm và thường áp dụng với số tiền cho vay ban đầu, không tính theo dư nợ giảm dần.
Đơn cử, Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Phát triển TP.HCM có mức lãi cho vay từ 42 - 80%. Công ty TNHH MB Shinsei có lãi suất cho vay mua thiết bị các sản phẩm Công nghệ cao 31 - 75%/năm, cho vay mua xe hai bánh 30 - 70%/năm, cho vay tiền mặt tối đa 75%/năm,…

 Năm 2018 vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã tổng hợp thông tin và đưa ra số liệu cụ thể rằng mức lãi suất cho vay tiêu dùng của các Công ty tài chính hiện nay giao động trong khoảng từ 55% đến trên 84%/năm. Đây là một con số khá lớn bởi mức lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại chỉ dao động từ 10 đến 25%/năm. Tuy nhiên vì sự tiện lợi và nhanh gọn trong khâu thẩm định hồ sơ nên nhiều người dân vẫn quyết định lựa chọn vay tiêu dùng tại các Công ty tài chính thay vì vay của các ngân hàng thương mại.

Lãi suất nhảy múa là một vấn đề gây đau đầu đối với khách hàng vay tín dụng hiện nay

Pháp luật hiện hành điều chỉnh như thế nào đối với lãi suất cho vay?
 Có một thực tế hiện nay là khi ký kết các hợp đồng tín dụng, người tiêu dùng thường không đọc kỹ hết toàn bộ nội dung hợp đồng. Dẫn đến việc sau khi đã ký kết hợp đồng xong, họ tính toán lại và nhận thấy tổng số tiền phải trả quá cao so với dự kiến ban đầu (gồm cả lãi suất, phạt chậm trả và lãi trên phần chậm trả,…). Rất nhiều người đã dựa vào khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 để giải thích rằng lãi suất vay dù theo thỏa thuận nhưng cũng không được vượt quá 20%/năm để viết đơn khiếu nại yêu cầu Công ty tài chính làm rõ vấn đề vì sao lãi suất của họ lại cao đến như vậy.
 Việc người tiêu dùng sử dụng điều luật trên để giải thích về lãi suất vay tín dụng là hoàn toàn không đúng. Bởi vì căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm có quy định rằng khi giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng thì ta sẽ phải áp dụng quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng để giải quyết mà không áp dụng quy định về giới hạn lãi suất của Bộ luật Dân sự năm 2015 để xác định lãi, lãi suất.
 Điều này đồng nghĩa với việc mức lãi suất giới hạn 20%/năm đó sẽ không được áp dụng trong trường hợp người tiêu dùng vay nợ của các Công ty tài chính. Việc Công ty tài chính xác định lãi suất đối với khách hàng cụ thể là bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của đôi bên dựa theo các yêu tố sau (Theo Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN):
· Cung cầu vốn thị trường;
· Nhu cầu vay vốn;
· Mức độ tín nhiệm của khách hàng

Phải tính toán thật kỹ trước mỗi khoản vay để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của bản thân

Tạm kết
 Qua các phân tích ở trên, quý bạn đọc chắc hẳn đã hiểu rõ mức lãi suất cho vay hoàn toàn phụ thuộc vào thỏa thuận của khác hàng và bên Công ty tài chính. Mức lãi suất này sẽ không tuân theo lãi suất tối đa của Bộ luật Dân sự 2015 (tức 20%/năm). Tuy nhiên, không phải vì thế mà các Công ty tài chính có thể tùy ý áp mức lãi suất bao nhiêu đều được. Cụ thể, theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) có quy định rằng nếu Công ty tài chính cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 thì sẽ phạm vào tội cho vay lãi nặng. Giải thích rõ hơn có nghĩa là lãi suất cho vay tối đa được quy định trong Hợp đồng tín dụng bắt buộc phải dưới 100%/năm, tức dưới 8,33%/tháng. Đây là quy định nhằm bảo vệ sự yếu thế của khách hàng khi phải phụ thuộc rất nhiều vào bên cho vay.

Dâm Ô Khác Gì Hiếp Dâm?

Dâm ô và hiếp dâm đều là những hành vi phi đạo đức. Tuy nhiên, ranh giới xác định giữa dâm ô và hiếp dâm hiện nay rất mong manh và không phải lúc nào ta cũng có thể dễ dàng phân biệt được. Vậy, dâm ô khác gì với hiếp dâm? Bài viết này sẽ giúp quý bạn đọc tìm ra câu trả lời thỏa đáng.
Dâm ô khác gì với hiếp dâm?

Cấu thành tội phạm của tội dâm ô

 Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Theo đó, dâm ô đối với trẻ em được hiểu là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thoả mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Cấu thành tội phạm của tội này được phân tích như sau:
· Khách thể: Hành vi trên đã xâm phạm đến quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Đối tượng tác động là trẻ em.
· Chủ thể: Có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và nhất thiết phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, và có năng lực trách nhiệm hình sự.
· Mặt khách quan:
- Hành vi khách quan được thể hiện ở hành vi dâm ô đối với trẻ em. Đó là hành vi tình dục nhưng không phải là hành vi giao cấu. Những hành vi đó có đặc điểm thoả mãn hoặc khiêu gợi, kích thích nhu cầu tình dục; hành vi này được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng,… nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.
- Đối tượng của hành vi dâm ô ở tội này là trẻ em.
· Mặt chủ quan: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Mục đích nhằm thoả mãn dục vọng của cá nhân.

Cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm

 Điều 141, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội hiếp dâm rằng người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Cấu thành tội phạm của tội này được phân tích như sau:
· Khách thể: Tội hiếp dâm xâm phạm quan hệ nhân thân của nạn nhân gồm sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.
· Chủ thể: Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội hiếp dâm theo Bộ luật Hình sự 1999 và thực tiễn xét xử được hiểu là nam giới. Tuy nhiên với Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), chủ thể của tội hiếp dâm có thể là nam giới và nữ giới. Như vậy người đủ năng lực trách nhiệm hình sự, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc bằng thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm đối với tội hiếp dâm.
· Mặt khách quan của tội hiếp dâm bao gồm:
- Hành vi khách quan:
Dùng vũ lực là các hành vi thực hiện để buộc nạn nhân phải cho người phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác như: vật lộn, giữ chân tay, bịt mồm, đánh đấm, trói,… Những hành vi này chủ yếu làm tê liệt sự kháng cự của người bị hại để người phạm tội thực hiện việc giao cấu hoặc hành vi tình dục khác.
Đe doạ dùng vũ lực là hành vi dùng lời nói hoặc hành động uy hiếp tinh thần của người khác, làm cho người bị đe doạ sợ hãi để cho người phạm tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác trái với ý muốn của mình.
Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân là trường hợp nạn nhân rơi vào tình trạng nếu như bị người khác giao cấu thì không thể chống cự lại được. Tình trạng này có thể có sẵn ở nạn nhân (nạn nhân bị bại liệt, bệnh tâm thần...) hoặc do người phạm tội tạo ra (người phạm tội cho nạn nhân uống thuốc mê, thuốc ngủ), hoặc do các nguyên nhân khách quan khác (nạn nhân bị say, bất tỉnh, ốm đau bệnh tật mà sức khoẻ yếu...).
Thủ đoạn khác là những thủ đoạn ngoài những hành vi đã được quy. Có thể hiểu là những thủ đoạn nhằm đưa người bị hại lâm vào tình trạng không còn khả năng làm chủ bản thân để thực hiện hành vi giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân.
- Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả:
Hành vi giao cấu và hành vi quan hệ tình dục khác không nhất thiết phải ở tình trạng hoàn thành mà có thể được diễn ra ở giao đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt. Mục đích và ý chí của người phạm tội là thỏa mãn nhu cầu tình dục trái ý muốn đối với nạn nhân.
· Mặt chủ quan tội hiếp dâm: Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý, người phạm tội biết hành vi giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác của mình là trái ý muốn nạn nhân hoặc không cần biết nạn nhân có đồng ý hay không. Mục đích của người phạm tội là thỏa mãn ham muốn tình dục.
 Phần phân tích cấu thành tội hiếp dâm được dẫn nguồn từ trang của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang: http://vksbacgiang.gov.vn/baiviet/71/7211
 Vì VKSND tỉnh Bắc Giang đã phân tích hết sức chi tiết đối với vấn đề này nên tôi xin được trích dẫn toàn bộ và dẫn kèm theo nguồn để bạn đọc có thể thuận tiện đọc lại nội dung bài viết.
Hành vi dâm ô và hiếp dâm đều là những hành vi phi đạo đức, để lại nhiều tác động xấu đối với tâm lý con trẻ

Dâm ô khác gì hiếp dâm?

 Có thể thấy cấu thành tội phạm tội hiếp dâm chỉ nêu ra dấu hiệu của mặt khách quan là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội mà không nói đến hậu quả và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Ở đây có thể hiểu, do tính chất nghiêm trọng của hành vi hiếp dâm, xâm phạm vào khách thể có tầm quan trọng đặt biệt, chỉ cần người nào thực hiện một hành vi trong mặt khách quan nghĩa là người đó có ý định hiếp dâm người khác và có hành động dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm mục đích giao cấu với nạn nhân trái ý muốn của họ là đã đủ điều kiện để cấu thành tội phạm, bất kể hành vi đó có được hoàn thành và gây hậu quả hay không. Với đặc điểm như vậy, cấu thành tội phạm của tội hiếp dâm là cấu thành tội phạm hình thức.
 Sự khác biệt lớn nhất giữa dâm ô và hiếp dâm là: Mục đích và Ý chí của người phạm tội. Nguời phạm tội hiếp dâm mong muốn nhất đó là được giao cấu với nạn nhân nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục dù cho nạn nhân có cố gắng phản kháng hay chống cự. Còn người phạm tội dâm ô thì lại khác, họ chỉ muốn thỏa mãn dục vọng của mình bằng cách sờ soạng, hôn hít nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.

Bị Lừa Sang Tên Sổ Đất Rồi Thì Kiện Hủy Sổ Ở Đâu?


 Hiện nay, chuyển nhượng nhà đất đang ngày càng trở nên phổ biến, nhiều rủi ro phát sinh từ đó là điều không thể tránh khởi. Trong đó, trường hợp bị lừa sang tên sổ đất không còn là vấn đề mới mẻ, làm cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều chủ thể bị xâm phạm. Giả dụ trường hợp chính bản thân bạn cũng rơi vào tình cảnh bị lừa sang tên sổ đất thì bạn sẽ khởi kiện ở đâu để bảo vệ quyền lợi của mình? Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến vấn đề này.
Phải làm như thế nào để kiện hủy sổ đỏ đã sang tên do bị lừa?


Tóm tắt vụ án Huỳnh Thị Nga liên quan vấn đề lừa dối trong sang tên sổ đỏ
 Bà Nga là chủ sở hữu thửa đất tọa lạc tại số 3/32, Đường D1, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM có diện tích 135,9 m2 và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 755656 vào ngày 20/4/2007. Bà Nga và bà Đài có mối quan hệ thân thiết nên bà Nga có vay mượn bà Đài số tiền 100.000.000 đồng.
 Năm 2007, bà Đài muốn nhận lại số tiền đã cho vay nên giới thiệu bà Nga đến ngân hàng Nam Á vay 1.000.000.000 đồng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trả nợ, phần còn lại bà Nga đã đưa bà Đài làm ăn để có thêm thu nhập trả lãi cũng như trang trải cuộc sống. Sau đó, bà Đài thông báo làm ăn thua lỗ, không có tiền trả lãi và gốc cho ngân hàng. Vì tin tưởng và nghe lời của bà Đài, bà Nga đã sang tên giả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình cho bà Đài để vay thêm khoản vay mới mục đích trả khoản vay cũ tại ngân hàng Nam Á. Bà Đài có cam kết (bằng miệng) sau khi làm ăn có lãi trả lại tiền cho ngân hàng thì hai bên sẽ ra Phòng công chứng làm thủ tục hủy Hợp đồng chuyển nhượng đã ký. Trong Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có mục ghi rằng số tiền chuyển nhượng là 4.000.000.000 đồng, đã đăng ký cập nhật biến động trên giấy chứng nhận cho bà Đài vào ngày 20/11/2009. Tuy nhiên, do việc sang nhượng là giả nên bà Đài đã không  thanh toán cho bà Nga một đồng nào cả.
 Việc chuyển nhượng giả có dấu hiệu lừa dối như trên đã đẩy bà Nga vào thế bị động, làm cho quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nga bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Xác định giao dịch dân sự có dấu hiệu của giao dịch giả tạo hay không?
 Xét vụ án dân sự trên, nhận thấy đây là trường hợp có tồn tại một giao dịch thật nhưng lại bị che giấu bởi một giao dịch giả tạo cụ thể là giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Nga và bà Đài được thể hiện dưới dạng hợp đồng nhượng quyền sử dụng đất (có tài sản gắn liền với đất) số 045231 làm cơ sở để đăng ký biến động sang tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đài vào ngày 20/11/2009. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp việc xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm mục đích che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch giao dịch dân sự giả tạo đó sẽ bị vô hiệu. Cụ thể hơn được quy định tại khoản 1 Điều 124 Bộ luật Dân sự 2015: Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
 Từ đó có thể thấy đặc điểm của giao dịch dân sự được xác lập do giả tạo là:
· Thường tồn tại song song ít nhất hai giao dịch dân sự (trong đó bao gồm giao dịch dân sự giả tạo và giao dịch dân sự đích thực);
· Không có sự thống nhất giữa ý chí thực sự bên trong và ý chí thể hiện ra bên ngoài;
· Có sự thông đồng, thống nhất từ trước giũa các bên tham gia giao dịch dân sự giả tạo.
Nên khi một giao dịch dân sự được xác lập một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch bị giả tạo sẽ vô hiệu còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực nếu như giao dịch bị che giấu đó vẫn tuân thủ đúng các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự.

Nhờ Tòa án can thiệp ngay lập tức để bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân

Hướng giải quyết khi bị lừa sang tên sổ đất
 Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, chủ thể bị lừa sang tên sổ đất có quyền nộp đơn khởi kiện đến cơ quan Tòa án có thẩm quyền với yêu cầu hủy giao dịch giả tạo đồng thời hủy Giấy chứng nhận đã đăng ký biến động cho bên kia. Như vậy, trong vụ án dân sự trên, bà Huỳnh Thị Nga có quyền làm đơn khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu hủy Hợp đồng nhượng quyền sử dụng đất (có tài sản gắn liền với đất) đã ký. Đồng thời, yêu cầu Tòa tuyên hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 755656, số vào sổ cấp giấy chứng nhận số H09970 do Uỷ ban nhân dân quận Bình Thạnh, TP.HCM cấp ngày 20/4/2017, đã đăng ký cập nhật biến động cho bà Đài ngày 20/11/2009.
Xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án khi khởi kiện hủy sổ trong trường hợp bị lừa sang tên sổ đất
 Khi bị lừa sang tên sổ đất, chủ thể bị xâm phạm lợi ích có quyền khởi kiện đến Tòa án để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, việc xác định đúng thẩm quyền giải quyết của Tòa án không phải là điều dễ dàng. Hơn nữa, việc xây dựng các quy phạm chưa thực sự thống nhất giữa các văn bản pháp luật càng làm cho việc xác định thẩm quyền giải quyết trở nên khó khăn hơn.
 Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo lãnh thổ có quy định rằng đối với đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết.
 Còn thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo cấp hành chính thì khá rắc rối:
· Theo khoản 4 Điều 34 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Cụ thể, khoản 4 Điều 32 Luật Tố tụng Hành chính 2015 quy định đối với khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp Huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương.
· Tuy nhiên, xét Công văn số 79/TANDTC-PC của Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành ngày 12/04/2019 thì thẩm quyền Tòa án giải quyết trong trường hợp này lại thuộc về Tòa án cấp Quận, Huyện.
 Đối với vụ án dân sự trên, Tòa án nào mới là Tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn khởi kiện cho bà Huỳnh Thị Nga? Dựa theo Công văn được ban hành mới nhất của Tòa án Nhân dân Tối cao thì thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự sẽ thuộc về Tòa án Nhân dân Quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh – tức Tòa án nhân dân cấp Huyện.
 Từ đó, có thể thấy được việc xây dựng các quy phạm pháp luật của cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự thống nhất đã đưa đến một số bất cập trong hệ thống hành pháp của Việt Nam khi mà một văn bản dưới luật lại có giá trị áp dụng cao hơn luật. Đồng thời, việc quy định như vậy sẽ tạo nên sự lúng túng trong việc xác định thẩm quyền của các Tòa án, từ đó có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG

DỊCH VỤ LUẬT SƯ LAO ĐỘNG  Trong bối cảnh quan hệ lao động ngày càng phức tạp, dịch vụ luật sư lao động đang trở thành lựa chọn tối ưu cho do...